Cội nguồn thi đua yêu nước

(NTO) Cách đây 64 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc vào thời kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: "Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người chỉ rõ mục đích Thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân. Với mục đich trên, Bác Hồ kêu gọi: "Bổn phận của mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều".

 
Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V -năm 2010.

Qua lời kêu gọi Thi đua ái quốc, thể hiện sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Bác Hồ. Đó là việc phát huy truyền thống yêu nước được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, đánh giá cao vai trò của đông đảo nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Điều này, Người đã nhìn thấy từ phòng trào chống thuế năm 1908: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người "nhà quê" phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917". Từ truyền thống yêu nước của dân tộc, Người nhận thấy: "Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau". Đi mau bằng cách tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước. Sức mạnh của quần chúng, truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc phải được tập hợp, tổ chức và động viên vào vào sự nghiệp cách mạng. Bởi vì "Tinh thần yêu nước cũng như thứ của quý, có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến". Theo Người thì tinh thần yêu nước, cội nguồn sức mạnh của dân tộc phải được phát huy mạnh mẽ thông qua việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong toàn dân.

Cùng với những văn kiện đã đi vào lịch sử như Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lòng người dân Việt Nam như lời Hịch cứu nước, thúc giục “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa” bởi mục đích của thi đua là để: "Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm", làm cho "Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc". Để đạt được mục đích đó không có con đường nào khác là: "Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân. Để gây hạnh phúc cho dân".

Qua 64 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, sâu rộng với tinh thần:

“Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua”

Phong trào thi đua đã phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần to lớn góp phần vào thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.