Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Ảnh:Mạnh Hùng
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho biết, Luật điện lực được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện, góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên qua hơn 6 năm thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập như quy hoạch phát triển điện lực còn chồng chéo; thời gian của quy hoạch điện lực địa phương quá ngắn gây khó khăn, lãng phí trong quá trình thực hiện; quy hoạch phát triển điện lực chưa tính đến việc quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Về giá điện, Luật Điện lực quy định biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã không còn đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời so với sự biến động của các yếu tố hình thành giá điện, chưa đảm bảo thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Từ những lý do trên, Quốc hội cần ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc và hạn chế của Luật Điện lực về quy hoạch điện lực và để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của nhà nước.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, về giá bán lẻ điện hiện vẫn còn hai loại ý kiến: Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 1 của Dự thảo Luật, sửa đổi khoản 1 Điều 31 Luật điện lực.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định.
Về vấn đề này, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai, đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung Nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá như loại ý kiến thứ nhất. Bởi vì, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế-xã hội của cả nước. Vì vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp và Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện. Quy định này cũng phù hợp Dự thảo Luật giá đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp này.
Đối với Luật dự trữ quốc gia, trình bày Tờ trình về Luật này, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia (DTQG) được ban hành ngày 29/4/2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tờ trình của Chính phủ đã nêu các vấn đề chính cần được bổ sung và sửa đổi gồm: Cần bổ sung mục tiêu của dự trữ quốc gia về sử dụng nguồn lực để góp phần bảo đảm an sinh xã hội; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia; cần quy định về bố trí ngân sách chi cho dữ trữ quốc gia một cách đồng bộ, phù hợp với đặc điểm hoạt động dự trữ quốc gia và quy trình quản lý ngân sách nhà nước; tháo gỡ những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm như phương thức mua, bán đảm bảo tính kịp thời. Khắc phục những quy định chưa đồng bộ với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoạt động dự trữ quốc gia trong điều kiện mới và Bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật dự trữ quốc gia do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, qua nhiều năm thực hiện, Pháp lệnh DTQG đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ủy ban Tài chính ngân sách nhất (TCNS) trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến Điều 37 quy định về các trường hợp được áp dụng cơ chế chỉ định thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính minh bạch, công khai và lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan, cần thu hẹp các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Theo đó, chỉ áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia, trường hợp hãn hữu không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về cơ chế giám sát việc mua, bán hàng DTQG; chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong mua, bán hàng DTQG, chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật về mua, bán, đấu thầu, đấu giá... tránh gây thất thoát NSNN.
Về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nội dung quan trọng nhất cần sửa đổi là việc xác định mục tiêu hoạt động các hợp tác xã. Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới; định hướng phát triển cho các hợp tác xã hiện đang hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã; đáp ứng nhu cầu và lợi ích của xã viên tham gia hợp tác xã; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khi trình bày Tờ trình: Luật phải làm rõ được vai trò của Hợp tác xã trong điều kiện mới, khuyến khích các thành viên hợp tác xã liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm đồng đều về chất lượng. Hợp tác xã là đơn vị đại diện cho các hộ xã viên phát triển thương hiệu, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và phải đảm bảo nguyên tắc: Mọi lợi nhuận thu được không phải làm lợi cho Hợp tác xã mà thuộc về xã viên. Quỹ hoạt động của Hợp tác xã do các xã viên đóng góp.
Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ trình bày nêu rõ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, ngoài những tác động tích cực cũng xuất hiện những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý thuế (như dàn xếp tránh thuế, chuyển giá,...), đòi hỏi công tác quản lý thuế phải được tiếp tục hoàn thiện về thẩm quyền, biện pháp quản lý để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội còn nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam