So với kỳ trước, nhiều ĐB bày tỏ sự hài lòng đối với dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này vì đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa và ủng hộ thông qua. Tuy nhiên, các ĐB cũng tiếp tục phát biểu nhiều vấn đề cần làm rõ trong dự Luật giáo dục ĐH, trong đó chủ yếu là vấn đề tự chủ cho ĐH, kiểm định chất lượng giáo dục, phân tầng ĐH...
Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Hải (Đồng Nai) ủng hộ giao tự chủ cho các trường nhưng phải có lộ trình, vì “tình hình hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát để giao tất cả”; đồng thời phải tiến hành thu quyền tự chủ nếu các trường vi phạm. ĐB cũng hoan nghênh ngành giáo dục vừa qua đã kiên quyết đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường, tuy nhiên điều đó cho thấy nếu giao quyền tự chủ mà không hậu kiểm thì hậu quả rất lớn.
ĐB Phạm Thị Hải và nhiều ĐB khác cũng cho rằng, số lượng trường ĐH-CĐ gia tăng nhanh hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa quy mô và chất lượng đào tạo, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm định chất lựong giáo dục. Luật Giáo dục ĐH dành hẳn 1 chương về kiểm định được các ĐB cho là hợp lý.
Nhiều ĐB cũng đề nghị cần thành lập Hội đồng kiểm định cấp Nhà nước về chất lượng giáo dục. ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục phải là tổ chức độc lập.
Ngoài ra, ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) đề nghị cần đánh giá lại việc cho phép các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh được liên kết đào tạo. “Nếu đựoc phép đào tạo thì phải tăng cường năng lực cho hệ thống này, còn nếu không phải chấn chỉnh triệt để vì thực tế hiện nay quá nhiều sai phạm, yếu kém”, ĐB Trung đề nghị.
ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM)
ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) khẳng định, Luật Giáo dục ĐH ra đời sẽ có tác dụng tích cực đối với giáo dục ĐH Việt Nam, Luật đã bao quát khá đủ những vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục ĐH. ĐB Đạt đồng ý phân tầng ĐH nhưng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các tiêu chí phân tầng đại học (ĐH nghiên cứu, đào tạo, cộng đồng..) đồng thời có các tiêu chí để xếp hạng các trường ĐH.
Cũng về vấn đề này, ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) đề nghị đầu tư cho ĐH cần tránh dàn trải. “Luật cần quy định rõ những đơn vị ĐH gắn nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, được Nhà nước đầu tư. Cần xác định phân tầng ĐH và xếp hạng các trường ĐH là hoàn toàn khác nhau”, bà Nga nói. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng xếp hạng các trường ĐH cần được thực hiện ngay sau khi Luật ra đời.
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục ĐH, trước thực tế chỗ ở của sinh viên hiện nay quá khó khăn, nhiều ĐB đã lên tiếng yêu cầu Luật phải quy định nhiệm vụ bảo đảm chỗ ở cho sinh viên của trường ĐH. Thực tế hiện nay, số sinh viên được ở ký túc xá không nhiều, hàng triệu sinh viên phải ở trọ không bảo đảm chất lượng, chi phí đắt đỏ, tác động không lớn đến chất lượng học tập của các em.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Tỉnh Bình Dương)
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đều cũng chung đề nghị Luật phải bắt buộc các trường ĐH mới thành lập phải có ký túc xá cho sinh viên, các trường đang hoạt động thì phải có lộ trình bảo đảm chỗ ở cho sinh viên.
“Phải tiến hành phân luồng đào tạo; thầy (học ĐH) phải ít hơn thợ (học nghề), thầy phải giỏi hơn thợ, đòi hỏi trình độ đào tạo ĐH phải được cầu tư”, vị Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phát biểu. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề xuất phải có cơ chế bảo đảm quyền lợi người học trong các trường hợp trường ĐH bị xử phạt, đóng cửa.
Chiều ngày 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi).
Nguồn Báo SGGP Online