Đại học Nông nghiệp Hà Nội là đơn vị đầu ngành của cả nước về nghiên cứu và phát triển lúa lai. PGS, TS Vũ Văn Liết, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Mặc dù, trong vòng mười năm gần đây, diện tích trồng lúa ở Việt Nam đã giảm khoảng 3%, nhưng sản lượng lúa, gạo sản xuất cũng như sản lượng xuất khẩu hằng năm ngày càng tăng”.
Một số giống lúa lai của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và sản lượng.
Theo tiến sĩ Phạm Đồng Quang, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20 đến 25% nhu cầu về hạt giống lúa lai F1. Trong khi diện tích trồng lúa lai lấy giống có xu hướng giảm và không ổn định, do người nông dân chuyển đổi sang giống lúa có chất lượng cao hơn, giá cả tốt hơn. Bên cạnh đó, hạt giống không đủ đáp ứng, giá lúa lai trong nước cao, khó cạnh tranh với các giống lúa ngoại nhập về năng suất và độ thuần. Một vấn đề nữa là điều kiện thời tiết biến động, cho nên dù các nhà khoa học nắm vững quy trình và công nghệ, nhưng vẫn rất khó có thể duy trì giống bố mẹ.
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, chuyên viên Viện Nghiên cứu Lúa, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành giáo dục với thành tích nghiên cứu và ứng dụng thành công các giống lúa lai hai dòng (lúa thơm chất lượng cao hương cốm) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, diện tích đất trồng lúa ở nhiều địa phương ngày càng bị thu hẹp thì việc nâng cao năng suất lúa bằng việc sử dụng các giống lúa lai, năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực càng trở nên cần thiết.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trình bày nhiều biện pháp, công trình nghiên cứu về lai tạo giống, biến đổi gien cho cây lúa đạt năng suất cao, cây khỏe, ngắn ngày, kháng được dịch bệnh và sâu bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp như rầy nâu, khô vằn, bạc lá...
Sau gần 20 năm nghiên cứu và phát triển lúa lai, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều giống lúa lai của Việt Nam đã được thế giới ưa chuộng, đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa, gạo. Nhưng con đường phát triển lúa lai tại Việt Nam còn nhiều thách thức đang cần một chiến lược lâu dài và bền vững.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương nhấn mạnh: "Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề an ninh lương thực hiện nay, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng lúa lai và các sản phẩm nông nghiệp, để đáp ứng tốt nhu cầu lương thực trong cả nước cũng như xuất khẩu".
Mọi năm, bão sớm vào khu vực miền trung, miền nam, nhưng năm nay, bão lại chuyển hướng lên phía bắc. Đó cũng là lý do mà Hội thảo quốc tế lần này tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp như tăng diện tích lúa lai, đặc biệt tại các tỉnh phía bắc; tạo thêm nhiều giống mới; phát triển tốt nguồn nhân lực kế cận, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đồng thời nghiên cứu chính sách bảo hiểm cho doanh nghiệp cũng như người nông dân nhằm giảm tỷ lệ rủi ro trong sản xuất hạt lai F1; Tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân.
Hội thảo này do trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp Viện Sinh học Thành Đô thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tổ chức.
Tham dự hội thảo về phía Trung Quốc, có ông Triệu Vĩnh Thao, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, các giáo sư, tiến sĩ cùng các nhà nghiên cứu của Viện Sinh học Thành Đô, Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên.
Một số giống lúa lai Việt Nam cho năng suất cao, ngắn ngày, kháng bệnh tốt được giới thiệu tại hội thảo như: TH3-5, TH5-1, TH7-2, TH17, CT16, Việt Lai 20, Việt Lai 50, HQ18, HQ19...
Nguồn Báo Nhân Dân Online