Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế tại cơ sở cũng như từ chính các cơ quan chuyên trách thực thi quy định này.
Công an huyện Ninh Phước xử lý đối tượng vi phạm về ATGT. Ảnh: V.Miên
Theo quy định tại Thông tư 38, sau khi thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra thông báo vi phạm về trật tự ATGT thì tiến hành gửi thông báo vi phạm về công an xã, phường, thị trấn và lực lượng công an xã, phường, thị trấn vào sổ theo dõi; đồng thời chuyển thông báo đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm để kiểm điểm, giáo dục... Đây là cách làm mới, bởi cùng với xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm, việc gửi thông báo người vi phạm về địa phương để tiến hành kiểm điểm tại nơi cư trú, nơi làm việc, nơi học tập sẽ làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, đồng thời tăng cường hiệu quả phối hợp bảo đảm trật tự ATGT của nhiều lực lượng, nhiều ngành, nhiều cấp.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Giao thông- Công an tỉnh, sau hơn 1 năm triển khai Thông tư 38, Phòng Cảnh sát Giao thông đã gửi 1.533 thông báo vi phạm về xã, phường, thị trấn nơi cư trú của cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, hiện chỉ có 77 trường hợp (trong tỉnh 47, ngoài tỉnh 30) có gửi thông tin phản hồi, còn lại hầu hết đều “im lặng”.
Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương, được biết khó khăn hiện nay của việc thực hiện thông tư này, đó là tình trạng người vi phạm về trật tự ATGT khi vi phạm thường đối phó bằng cách khai không đúng địa chỉ cư trú, hoặc trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác, trong khi giấy phép lái xe, đăng ký xe vẫn ghi theo địa chỉ cũ, nên thông báo vi phạm không đến được đúng địa chỉ người vi phạm. Không những vậy, thông báo vi phạm chỉ gửi tới công an địa phương mà không gửi cho UBND cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, việc phối hợp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền, giáo dục người vi phạm trong phạm vi quản lý là không rõ ràng. Bên cạnh đó, công an xã, phường, thị trấn sẽ không thể kiểm soát được là tổ trưởng dân phố, trưởng thôn có tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm hay không. Ngoài ra, tổ dân phố không tổ chức họp thường xuyên, thường chỉ từ một đến hai lần trong năm, nên việc tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm là rất khó khăn.
Trung tá Phạm Văn Bảy, Đội phó Đội Điều tra xử lý tai nạn giao thông- Phòng CSGT cho biết: “Ngày nào Đội cũng phải xử lý khá nhiều hồ sơ vi phạm để gửi về địa phương, trường học. Việc gửi thông báo rất mất thời gian, tốn công sức từ khâu khai thác đúng tên, tuổi, địa chỉ người vi phạm, đến việc ra thông báo rồi gửi đi, nhưng ở địa phương có triển khai không thì không được rõ. Điều bất cập nữa là trong Thông tư 38 cũng không hề quy định cụ thể là nơi nhận được trong thời gian bao lâu phải gửi hồi âm…”
Từ những bất cập nêu trên và để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư 38, Thượng tá Từ Văn Vĩnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đề nghị, bên cạnh chỉ đạo công an cấp xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm Thông tư 38, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục các đối tượng vi phạm và gắn với các phong trào thi đua tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với lực lượng công an địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ và tiếp tục đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự ATGT đến mọi người dân. Mặt khác, cần có giải pháp hiệu quả hơn như yêu cầu người vi phạm làm kiểm điểm, được địa phương xác nhận thì mới giải quyết vi phạm vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa tránh việc xử lý sai đối tượng. Có như vậy thì Thông tư 38 về việc thông báo người vi phạm về trật tự ATGT mới phát huy hiệu quả.
Ngũ Anh Tuấn