Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là yêu cầu khách quan, cần thiết
Thứ nhất, về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong nhấn mạnh, đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này. Trung ương đã thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm…
Đến nay, Hiến pháp năm 1992 đã đi qua chặng đường 20 năm. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung những gì và như thế nào, đòi hỏi phải có quan điểm và phương pháp tư tưởng đúng đắn, khoa học, biện chứng, xuất phát từ yêu cầu phát triển và thực tiễn của đất nước.
Tại Hội nghị lần này, Trung ương đã xem xét, thảo luận Báo cáo của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cơ bản tán thành nhiều nội dung của Báo cáo và Tờ trình. Đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn.
Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trung ương đã thống nhất cao ban hành các nghị quyết,
kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và
Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội và tiền lương, bảo hiểm xã hội và
trợ cấp ưu đãi người có công. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
Về chính sách, pháp luật đất đai, nhấn mạnh nhận thức đất đai, quản lý và sử dụng đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp mà còn là vấn đề chính trị rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả của cách mạng, của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc về vấn đề này. Trung ương khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX), chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành chưa đồng bộ, chất lượng thấp; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất và tuân thủ pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm; thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch;…
Hội nghị nhất trí cho rằng: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; là tài sản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ, đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật; tái định cư, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi.
Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn; được có một số quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp...) theo quy định của pháp luật và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có sự phân biệt các loại đất và nguồn gốc đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về đất đai, phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.
Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.
Các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí chuyển biến tích cực
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Đã tập trung nhiều công sức xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020…
Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hoá hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công; trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
Hội nghị cũng thảo luận một số vấn đề về chính sách xã hội và tiền lương từ nay đến năm 2020. Về chính sách xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, coi việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội.
Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.
Về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, Trung ương yêu cầu, trong năm 2012 - 2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay.
Ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá X). Nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI)…
Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả. Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã thành công tốt đẹp. Trung ương đã thống nhất cao ban hành các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội và tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tất cả những quyết định này đều rất quan trọng, liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
“Tôi đề nghị ngay sau Hội nghị này, mỗi chúng ta, tuỳ theo vị trí công tác của mình, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp uỷ và chính quyền lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này cùng các nghị quyết khác của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ; bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Nguồn www.chinhphu.vn