Qua nắm tình hình ban đầu, được biết: Trong quá trình lặn bắt ốc khu vực vùng biển này, một số người dân phát hiện có gỗ chìm, sau đó tổ chức lặn, trục vớt. Đã có khoảng 20 phương tiện tàu thuyền của ngư dân địa phương lặn và thu được gỗ. Trong đó, có 4 phương tiện thu được 7-10 khúc gỗ, số còn lại thu được 3-5 khúc gỗ (nhận định ban đầu là gỗ Mun) đã bị chìm đắm nhiều năm, có kích thước ngắn nhất 1 m và dài nhất 3 m, đường kính từ 10 đến 25 cm. Ngoài ra, quá trình trục vớt ngư dân còn thu được nhiều vật dụng sinh hoạt như bát, đĩa, ấm, chén, ché... cũ.
Gỗ chìm trục vớt hiện đang giữ tại Đồn Biên phòng 404.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì tổ chức khảo sát, đồng thời thuê tàu chuyên dụng lặn khảo sát tại khu vực nói trên. Qua đó đã phát hiện, thu được 12 khúc gỗ, tổng trọng lượng khoảng 700 kg (ảnh), cùng một số mảnh vỡ của một số vật dụng sinh hoạt, trong đó có 1 bát men và một bình gốm còn nguyên vẹn...
BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá trữ lượng và giá trị văn hóa của gốm sứ trục vớt được; đồng thời xác minh đối với số hiện vật mà ngư dân trục vớt được trước đó để có biện pháp xử lý. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để xử lý số gỗ đã thu gom được theo quy định của pháp luật.
Ngũ Anh Tuấn