Văn phòng Quốc hội cho biết các đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan (trong đó có cả Chính phủ) đã đề nghị Chính phủ báo cáo thêm một số nội dung quan trọng về kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 3, khai mạc vào ngày 21-5 tới.
Theo đó, ngoài nội dung dự kiến, Chính phủ sẽ báo cáo thêm về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, sản xuất kinh doanh. Công tác điều hành tiền tệ, lãi suất từ tháng 10/2011 đến nay và các giải pháp của Chính phủ hạ lãi suất tín dụng, tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thủy điện, nhất là các đập lớn; tình hình quản lý, sử dụng đất đến năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 trên phạm vi cả nước.
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều đồng tình bổ sung những nội dung trên vào Kỳ họp 3.
Có ý kiến đề nghị cần bố trí thời gian thảo luận thích hợp đối với một số nội dung quan trọng như Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Thảo luận cụ thể hơn về nội dung Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phải vừa mang tính đánh giá Đề án, vừa phải gợi ý thảo luận cho các đại biểu. “Phải tập hợp được trí tuệ của 500 đại biểu Quốc hội vào báo cáo này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị sau khi thảo luận, Quốc hội sẽ ra thông báo kết luận tổng hợp của Quốc hội để gửi đến Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha khi đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề khiếu nại tố cáo, an toàn giao thông, công tác phòng chống tham nhũng và lãng phí.
Cũng trong sáng 5-5, UBTVQH cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây. Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ngày 27-4 vừa qua.
Theo Đề án, hàng năm Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai; người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao UBTVQH trình Quốc hội quy chế để thực hiện việc bỏ phiếu, đồng thời gợi ý quy chế này “cơ bản chỉ là đối mới cách làm, phải thận trọng, bám sát luật”.
Ngoài vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, UBTVQH cũng thảo luận về một số cải tiến, đổi mới hoạt động lập pháp, việc quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp quốc hội, phiên họp UBTVQH…
Đề án sẽ được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Nguồn www.chinhphu.vn