Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15-11-2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2011. Để thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22-9-2011 quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng, có liên quan và tác động trực tiếp đến quá trính thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 tvà các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương về công tác thanh tra, UBND tỉnh chỉ thị:
1-Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:
a) Tổ chức tốt việc quán triệt nội dung các quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra bằng các hình thức, biện pháp phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
b) Vào tháng 11 hằng năm chỉ đạo Thanh tra cùng cấp xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra năm sau trình thủ trưởng cơ quan xem xét, sau đó chuyển Thanh tra tỉnh để điều phối cho phù hợp, tránh chồng chéo, sau đó Thanh tra tỉnh gửi lại cho tổ chức thanh tra chậm nhất là vào ngày 2-12 để tổ chức thanh tra trình thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp phê duyệt chậm nhất vào ngày 15-12 hằng năm.
c) Công khai các kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thanh tra, tạo cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể và của nhân dân.
d) Tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra.
đ) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hằng năm và quy trình tiến hành thanh tra theo quy định. Chỉ đạo thanh tra cùng cấp báo cáo Thanh tra tỉnh kết luận thanh tra; cung cấp thông tin các vụ vi phạm pháp luật của đơn vị, nhân dân trên địa bàn mình; báo cáo những vấn đề trong quá trình thanh, kiểm tra, kết luận chưa thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; khi có những vấn đề chưa rõ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thì chủ động xin ý kiến cấp trên nhằm giúp thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và các văn bản pháp luật thanh tra.
e) Rà soát, sắp xếp, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo thanh tra, kiểm tra có hiệu quả; tạo điều kiện về cơ sở, kinh phí để đơn vị thanh tra cấp mình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
g) Tăng cường công tác giám sát của các Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
2-Thanh tra tỉnh:
a) Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b) Yêu cầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra;
c) Chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với Thanh tra Sở, Thanh tra huyện;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh.
đ) Phối hợp với Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thanh tra.
e) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiện toàn nguồn nhân lực, biên chế cán bộ, công chức làm công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh; đảm bảo điều kiện kinh phí, chế độ, chính sách, hiện đại hóa ngành thanh tra.
3-Sở Nội vụ:
Có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh trong việc xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Thanh tra Ninh Thuận theo Quyết định số 2857/QĐ-TTCP ngày 21-10-2011 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Thanh tra thời kỳ 2011-2020.
4-Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước, chế độ, chính sách đối với thanh tra viên, kinh phí đầu tư, mua sắm trang-thiết bị, hiện đại hóa ngành Thanh tra theo quy định của pháp luật hiện hành.
5-Tổ chức thực hiện:
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chỉ thị này. Giao Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.