Thường ngày, có dịp đi qua các quán cà phê trên phố, nơi đâu cũng đông người, chuyện trò râm ran, có người ngồi nhâm nhi ly cà phê cho đến quá trưa. Trong khi đó tại Thư viện tỉnh, số lượng người đến đọc và mượn sách không nhiều. Trong số những bạn đọc tại thư viện, chủ yếu là cán bộ hưu trí và học sinh của một số trường học trên địa bàn thành phố.
Bạn đọc tại Thư viện tỉnh.
Cụ Đinh Văn Chương, một cán bộ hưu trí ở phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đang đọc sách tại Thư viện tỉnh, cho biết: “Đọc sách đối với tôi là một thú vui và là một thói quen. Chính vì vậy tôi đã gắn bó với thư viện này suốt 20 năm nay. Mỗi khi đọc, thấy ý nào hay, nội dung nào mới và bổ ích thì tôi ghi vào trong cuốn sổ nhỏ. Làm như vậy khiến mình nhớ lâu. Những kiến thức này giúp mình có thêm kinh nghiệm, hiểu biết để sống vui, khỏe, vừa để chỉ vẽ cho con cái những điều hay mà mình cập nhật được từ sách báo”.
Theo chị Phạm Thị Thơm, Trưởng phòng Phục vụ Bạn đọc, Thư viện tỉnh, trong những năm gần đây, lượng người tới mượn và đọc sách tại thư viện có xu hướng giảm. Nếu như những năm 2009, thư viện có 93.528 lượt bạn đọc mượn trên 309 ngàn lượt tài liệu thì năm 2011, số lượt bạn đọc đến thư viện chỉ còn chưa đầy 61 ngàn lượt người mượn trên 250 lượt tài liệu (giảm gần 1/3 so với trước).
Trong khi đó, năm nào thư viện cũng tổ chức nhiều hoạt động như hội báo xuân, hội thảo chuyên đề, triển lãm về sách; chưa kể là thường xuyên bổ sung lượng đầu sách mới và mở rộng phạm vi phục vụ bạn đọc tới 116 điểm đọc sách tại các cơ sở, thậm chí cả ở các trại giam để phục vụ phạm nhân.
Chị Thơm cho biết thêm: Lượng người tới thư viện chỉ đông khi phát động còn sau đó thì lại thưa thớt. Không chỉ ít người tới đọc và mượn sách mà sự quý trọng sách cũng giảm đi. Có người mượn sách nhưng không giữ sách và đọc đúng cách. Tỷ lệ người đọc sách mang tính tìm tòi nghiên cứu không cao mà chủ yếu là đọc báo và học sinh thì đọc truyện tranh...
Tương tự tại các hiệu sách trên địa bàn thành phố, lâu lâu mới thấy có người vào tìm mua một vài quyển sách. Theo một chủ quầy sách trên đường Ngô Gia Tự thì các cửa hàng sách cũng chỉ nhộn nhịp trong mấy ngày đầu năm học mới, bởi phụ huynh, học sinh đến mua sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, tài liệu nâng cao. Còn lại các ngày trong năm, lượng người tới mua sách về đọc, không nhiều.
Giá trị của sách và văn hóa đọc là mang lại cho ta những am hiểu có phân tích, chọn lọc, ghi nhận và điều quan trọng là hiểu được tận ngọn nguồn của vấn đề, của kiến thức mà không một phương tiện truyền thông nào truyền tải được. Do vậy, để phát huy giá trị mà sách mang lại, mỗi người, mỗi nhà cần hình thành và duy trì thói quen đọc sách để bồi bổ kiến thức và là cách để tự học nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của mình. Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu sách, báo thông qua trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách theo chuyên đề và nhất là chú trọng việc xây dựng điểm đọc sách tại các cơ sở, tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận tốt nhất nguồn thông tin. Thông qua các hoạt động này, hệ thống thư viện góp phần mang tri thức đến với bạn đọc, duy trì và phát huy văn hóa đọc trong mọi người để chúng ta biết quý trọng những giá trị mà sách mang lại cho cuộc sống.
Ngũ Anh Tuấn