TP Cần Thơ Hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

Trong Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM), tiêu chí giao thông xếp vị trí thứ 2 và tiêu chí thủy lợi đứng thứ 3. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc XD hạ tầng giao thông, thủy lợi trong XD NTM. Nhận thức được vấn đề, mặc dù gặp không ít khó khăn, các xã XD NTM ở TP Cần Thơ đẩy mạnh sửa chữa, nâng cấp, xây mới cầu đường; tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi... tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Chuyển biến ở 2 xã điểm

Ông Trần Quốc Bền, Chủ tịch UBND xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án XD NTM, xã Trung An xác định các công trình đầu tư XD kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn (GTNT) phải chú trọng chất lượng và đảm bảo tiến độ. Các công trình này thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiến hành một cách đồng bộ với lộ trình cụ thể, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã”.

 
Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hoàn chỉnh
sẽ phục vụ đắc lực cho sản xuất, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Năm 2011, xã Trung An thực hiện mặt cứng tuyến đường Rạch Trà Ếch (ấp Thạnh Lộc 2), chiều dài 820m, rộng 2m với tổng kinh phí 220 triệu đồng (nhân dân đóng góp 139,2 triệu đồng) và tuyến đường Rạch Sỹ Cuông (ấp Thạnh Lợi 1), chiều dài 1.200m, rộng 3,5m, tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, xã còn vận động nhân dân trải cát núi đoạn đường trục chính nội đồng chiều dài 4.500m với tổng kinh phí 45 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Với những kết quả đạt được, hiện nay trên địa bàn xã có 8.622/8.922m đường liên ấp được bê-tông hóa, đường trục chính nội đồng được trải cát núi 17.450m, đạt hơn 50% chỉ tiêu đề ra. Về công tác thủy lợi, trong năm 2011, Trung An thực hiện nạo vét kênh tạo nguồn Rạch Sỹ Cuông chiều dài 2.400m đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và phục vụ tưới tiêu cho 100ha đất sản xuất và trồng màu.

Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đặc biệt là giao thông, thủy lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn Trung An. Ông Phạm Văn Khiêm, người dân ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Trước đây, đường sá luôn trong cảnh nắng bụi, mưa lầy. Từ khi xã thực hiện XD NTM, các tuyến đường GTNT trở nên khang trang, con em chúng tôi đi học dễ dàng, vận chuyển hàng hóa, mua bán cũng thông thương...”. Theo kế hoạch, năm 2012, xã Trung An sẽ tiến hành bê-tông tuyến đường Rạch Trà Ếch dài 1.200m; sửa chữa, nâng cấp 5.000m đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, xã sẽ xây mới 1 cầu treo ngang sông Xáng Thốt Nốt, kinh phí 420 triệu đồng do nhân dân đóng góp; XD 1 cầu bê-tông; tu sửa 5 cầu ván... Song song đó, xã tiếp tục thực hiện nạo vét 1 kênh tạo nguồn Rạch Trà Ếch và 2 kênh nội đồng: kênh Ngang 5 và kênh Cống Bà Hàn.

Bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Là 1 trong 2 xã điểm thực hiện XD NTM của TP Cần Thơ, hiện trạng giao thông của xã Mỹ Khánh đã cơ bản đạt yêu cầu so với tiêu chí. Tuy nhiên, nhằm củng cố và nâng chất tiêu chí này, Mỹ Khánh đang tập trung nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông đã bị xuống cấp, kết hợp với chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô 2012”. Theo đó, xã đã vận động nhân dân đắp taluy các tuyến giao thông nông thôn tại ấp Mỹ Long, Mỹ Thuận và Mỹ Nhơn với chiều dài 3.000m; sửa chữa, giặm vá đường giao thông bằng bê-tông với chiều dài 2.000m. Đồng thời, xã tiến hành phát quang hành lang an toàn giao thông trên tuyến trục chính (Trường Tiền - Bông Vang) và chỉnh trang hàng rào, cột cờ với chiều dài 2.500m. Song song đó, xã tiến hành kiểm tra, khảo sát các tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn để lập kế hoạch nạo vét, nâng cấp. Trong đợt ra quân chiến dịch thủy lợi mùa khô 2012, xã đã triển khai XD đê bao khép kín 120ha vườn cây ăn trái nhằm ngăn lũ, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa... của người dân.

Từng bước hoàn thiện

Thành công trong công tác giao thông và thủy lợi ở 2 xã điểm đã tạo hiệu ứng lan tỏa ra các xã XD NTM ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo một số xã, mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông thủy lợi trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhưng sau hơn 1 năm triển khai thực hiện XD NTM, công tác này vẫn giậm chân tại chỗ. Bà Phạm Thị Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vốn đầu tư XD hạ tầng giao thông khá lớn nhưng nguồn vốn từ ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân coi XD NTM là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước nên chưa tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí XD NTM trong đó có tiêu chí giao thông”.

Xã Đông Bình là 1 trong 3 xã điểm thực hiện XD NTM của huyện Thới Lai, do xuất phát điểm của xã thấp, đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông nên công tác vận động nhân dân đóng góp gặp không ít khó khăn. Vụ đông xuân 2011-2012, ấp Đông Giang và ấp Đông Phước của xã Đông Bình triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Song, theo ông Lương Việt Vững, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, mặc dù kết quả ban đầu của mô hình hết sức khả quan nhưng hạ tầng phục vụ cho “Cánh đồng mẫu lớn” vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, giao thông thủy còn khó khăn đã ảnh hưởng đến khâu vận chuyển, làm doanh nghiệp ngán ngại khi “bắt tay” làm ăn với nông dân.

Nhận diện được những tồn tại trong việc đầu tư XD hạ tầng giao thông thủy lợi, các địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn và đề ra lộ trình thực hiện. Cụ thể, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu đạt tiêu chí thủy lợi trong năm 2013 và giao thông trong giai đoạn 2016-2020; xã Đông Bình, huyện Thới Lai tiếp tục củng cố, nâng chất tiêu chí thủy lợi và đạt tiêu chí về giao thông vào năm 2014. Ông Lương Việt Vững, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, nói: “Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư, kiện toàn các tuyến đường liên ấp đảm bảo lưu thông hiệu quả trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí của địa phương, vận động đóng góp từ phía nhân dân, doanh nghiệp và các mạnh thường quân. Đồng thời tiến hành nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn bị bồi lắng, hoàn thiện hệ thống đê bao, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo chủ động trong sản xuất. Hiện xã đang kiến nghị huyện bê-tông hóa tuyến đường kênh Trâm Bầu theo hình thức Nhà nước đầu tư 100% mặt cứng, nhân dân hiến đất và hoa màu nhằm phục vụ cho “Cánh đồng mẫu lớn” ở ấp Đông Giang và ấp Đông Phước”.

Không thể phủ nhận vấn đề nâng cấp, cải thiện hệ thống thủy lợi, giao thông liên ấp, liên xã tạo thuận lợi trong việc đi lại và phục vụ sản xuất, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội qua đó nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân địa phương. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa với phương thức huy động vốn trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương. Song song đó, các xã phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi cũng như các tiêu chí khác trong XD NTM.

Nguồn Báo điện tử Cần Thơ