"Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam - Lào, Đoàn kết - Hữu nghị"

Chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Quốc hội Việt Nam - Quốc hội Lào phối hợp tổ chức Hội nghị "Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam - Lào, Đoàn kết - Hữu nghị” tại tỉnh Sơn La, từ ngày 22 - 26/4/2012. Đây là điểm nhấn quan trọng về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào 2012”.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc, đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Ngày 5/9/1962 là dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và kể từ đó, quan hệ Lào-Việt Nam đã có một cơ sở vững chắc được hai nước gìn giữ và nâng niu, trân trọng và phát huy, đến năm 2012 đã tròn 50 năm. Một sự kiện quan trọng khác trong quan hệ giữa hai nước là ngày 18/7/1977, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào của đồng chí Phạm Văn Đồng, hai nước đã ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác. Năm nay, kỷ niệm sự kiện này tròn 35 năm.

Ôn lại truyền thống quan hệ Việt Nam - Lào thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn nửa thế kỷ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác, có thể khẳng định rằng: Dù cho tình hình khu vực và quốc tế có những xáo trộn, biến đổi nhanh chóng khó lường, nhưng mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước vẫn được gìn giữ và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như: Chính trị, đối ngoại, an ninh – quốc phòng, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao; hợp tác giữa các địa phương …

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam tích cực hỗ trợ Lào tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM 9, ASEP 7 vào cuối năm 2012; tăng cường hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công (MRC) …

Quan hệ giữa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và Quốc hội nước CHDCND Lào được triển khai trên cơ sở mối quan hệ hợp tác bền chặt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian qua, đã đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện.

 

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu cấp cao QH
nước Cộng hòa DCND Lào do đồng chí Pany Yathotu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH
dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến 27/8/2011.
Trong ảnh: Chủ tịch QH Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đón Chủ tịch QH Lào Pany Yathotu.
(Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước đi vào chiều sâu và toàn diện, trong những năm qua, các khóa của Quốc hội nước CHDCND Lào đã tăng cường quan hệ, hợp tác với Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Hai bên đã quyết tâm mở rộng và phát huy mối quan hệ giữa hai Quốc hội bằng nhiều hình thức để giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan lập pháp một cách hiệu quả; có sự ấn định các chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm ở tất cả các cấp, kể từ cấp lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, cấp các Ủy ban, cấp các Văn phòng Quốc hội và cấp chuyên viên. Từ đó, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và ở mọi cấp độ.

Quốc hội hai nước đã tích cực triển khai các biên bản ghi nhớ quan hệ, hợp tác hai Quốc hội của từng khóa đi vào thực tiễn và có nội dung ngày càng phong phú thông qua các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở các khu vực bầu cử của hai nước một cách rộng rãi và có hiệu quả. Điểm nổi bật trong những năm qua, các ủy ban liên quan của hai Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Kinh tế-Kế hoạch và Tài chính, Ủy ban Đối ngoại và các ủy ban khác đã hợp tác theo dõi giám sát và thúc đẩy tổ chức thực hiện các hiệp định hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết, làm cho các dự án đầu tư và dự án viện trợ không hoàn lại phát huy hiệu quả.

Ở cấp Văn phòng Quốc hội của hai nước cũng tổ chức hội nghị thảo luận 2 năm một lần luân phiên nhau làm chủ tịch để cùng nhau trao đổi bàn bạc, trao đổi thông tin tư liệu và trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau trong việc làm tham mưu trên các mặt cho những hoạt động của Quốc hội; tạo điều kiện tốt cho các cán bộ chuyên viên ở các cấp của hai Quốc hội có gắn bó thân thiết hơn nữa; là cơ hội tốt để thế hệ trẻ kế tiếp thấm nhuần và hiểu sâu sắc thêm mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào anh em.

Trong những năm qua, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã tiếp tục tăng cường giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cho Quốc hội Lào như: Xây dựng trung tâm dữ liệu thông tin, công tác thư viện, công tác công nghệ thông tin, giúp bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ Quốc hội Lào trên các mặt với số lượng rất lớn. Đặc biệt là Quốc hội Việt Nam đã giúp Lào xây dựng Tòa nhà làm việc của Văn phòng Quốc hội tương đối hiện đại . Tất cả các thành quả trên đều là biểu tượng phản ánh mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Quốc hội hai nước còn hợp tác và trao đổi quan điểm trong các lĩnh vực công việc đối ngoại khác. Quốc hội Việt Nam đã giúp đỡ các mặt trong nhiệm kỳ Lào làm nước chủ nhà tổ chức Hội nghị AIPA lần thứ 26 năm 2005, Hội nghị APPF năm 2009, Hội nghị Nghị viện các nước Pháp ngữ APF và hợp tác trong tiểu khu vực GMS, CLV.

Đồng thời, ở cấp địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở khu vực bầu cử của Lào và Đoàn đại biểu Quốc hội ở khu vực bầu cử và Hội đồng nhân dân địa phương của Việt Nam thường xuyên thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới. Tất cả đều góp phần làm cho tình hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện ngày càng gắn bó bền chặt giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước Lào và Việt Nam nói chung.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào, thời gian qua, mối quan hệ toàn diện giữa hai cơ quan lập pháp hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, không chỉ trên các mặt hợp tác song phương và đa phương, mà còn được thể hiện trên mảng công tác giám sát.

Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam đã tiến hành chương trình giám sát tổng thể: Giám sát việc thực hiện các điều ước song phương Việt Nam – Lào giai đoạn 1991 – 2003; Giám sát chuyên đề việc thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2003 – 2008 và giám sát việc đào tạo du học sinh Lào tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các ủy ban khác của Quốc hội cũng quan tâm đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan tương ứng của Quốc hội Lào trong công tác giám sát. Hai bên đã tích cực trao đổi thông tin, bàn các biện pháp tăng cường cơ chế phối hợp và năng lực giám sát; lồng ghép các nội dung, chương trình giám sát trong đoàn công tác của các ủy ban chuyên môn sang nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trong các buổi hội thảo. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng An ninh, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với các ủy ban tương ứng của Quốc hội Lào. Các văn bản này là cơ sở pháp lý tạo tiền đề quan trọng để hai bên xác định được trọng tâm, trọng điểm và triển khai các hoạt động giám sát sau này.

Nhìn chung, các chương trình giám sát đều được hai bên chuẩn bị chu đáo từ khâu lập kế hoạch, phối hợp thu thập tài liệu, triển khai các Đoàn công tác đến khâu tổng kết báo cáo. Từ các chương trình giám sát này, các cơ quan của Quốc hội hai nước đã đưa ra được nhiều kiến nghị thiết thực, xác đáng với Chính phủ và các cơ quan hữu quan quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh, thiết thực góp phần vào việc thực thi các Hiệp định song phương giữa hai nước thời gian qua.

Hội nghị “Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam-Lào, Đoàn kết-Hữu nghị” năm 2012 được tổ chức tới đây sẽ đánh giá về tình hình hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào; về tình hình hợp tác giữa hai Quốc hội; về tình hình hợp tác giữa các địa phương hai bên biên giới; về công tác tuyên truyền tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào tại các tỉnh biên giới và các cơ quan của hai nước. Với Chương trình nghị sự này, Hội nghị sẽ góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội; tăng cường giao lưu giữa các địa phương có chung đường biên giới và là cơ hội để các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành và địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin, thảo luận về việc thực hiện các hiệp định giữa hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước./. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam