GDP quý I chỉ tăng 4%
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Tình hình kinh tế quý I năm 2012 đã có bước chuyển biến, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện; tỷ giá ổn định; thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đạt khá. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn có chuyển biến và duy trì tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng 25% so cùng kỳ; xuất siêu bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu....
Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%), thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn....
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong quý I nêu trên, có những khó khăn do những nguyên nhân từ bên ngoài như: Kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách ở các nước phát triển; những bất ổn chính trị và xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông, giá dầu mỏ tăng cao,... Trong khi đó, ở trong nước, việc làm, thu nhập của một bộ phận dân cư bị giảm sút; thời tiết không thuận và dịch bệnh cũng gây thêm khó khăn cho phát triển của nền kinh tế. Việc quản lý điều hành nền kinh tế, tổ chức triển khai thực hiện chính sách chưa thật đồng bộ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm...Đây là những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên, đồng thời cũng là những vấn đề các cấp, các ngành cần phải nỗ lực để khắc phục, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động, có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung Báo cáo của Chính phủ, chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng đề nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội các phương án tăng trưởng kèm theo các giải pháp thực hiện cho từng phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý trong từng tình huống phù hợp với diễn biến tình hình mở; đồng thời nhấn mạnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; một mặt, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Sớm chỉ đạo tổng hợp tình hình vay nợ và nợ thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và biện pháp xử lý đối với các dự án nợ khối lượng, dự án tạm dừng, giãn tiến độ, không sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 năm 2012.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất; đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa.
Khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường hiệu lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách, tài sản công, kinh phí chi tiêu nội bộ.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam