Phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: VNA
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày Tờ trình Đề án.
Theo đó, 5 nguyên tắc chỉ đạo thực hiện Đề án là: thực hiện tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng tăng trưởng; thực hiện đồng bộ và thống nhất hệ thống các giải pháp tái cơ cấu kinh tế với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; tái cơ cấu gắn liền với tiếp tục đổi mới, mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tái cơ cấu gắn liền với thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến 2020; chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện, đồng bộ.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mô hình tăng trưởng Việt Nam đang hướng tới sẽ dựa chủ yếu vào hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Làm rõ khác biệt giữa tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Thống nhất với tên gọi của Đề án, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tính tổng thể của Đề án phải bao trùm các đề án của từng ngành, lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ khác biệt giữa tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bởi vấn đề này đã được tranh luận rất nhiều tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng tái cơ cấu kinh tế sẽ bao hàm cả chuyển dịch kinh tế và sự cơ cấu lại mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị trong tái cơ cấu thị trường tài chính cần khắc phục được “bệnh thừa tiền”, bởi nền kinh tế thừa tiền gây ra lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền có nghĩa đầu tư kém hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng hệ thống các chỉ tiêu để cảnh báo các rủi ro, ví dụ như nợ công, xuất nhập khẩu, thị trường lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, cần xem xét tính khả thi của mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với ngành nông nghiệp vì trong cả giai đoạn 2005-2010, tỷ trọng trong GDP của nông nghiệp chỉ giảm 0,1%. Tỷ trọng nông lâm, ngư nghiệp hiện nay là 20,6% GDP, nếu theo mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng ngành này giảm xuống mức 15% GDP là khó khả thi.
Hơn nữa, với nguồn lực đầu tư có hạn như hiện nay, Đề án nên tập trung phát triển khoa học công nghệ ứng dụng ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên tạo giá trị gia tăng lớn.
Nâng cao năng lực “mở đường” của doanh nghiệp Nhà nước
Với 12 nhóm giải pháp thực hiện được đề cập trong Đề án, nhóm giải pháp liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn còn một số ý kiến khác biệt.
Có ý kiến cho rằng cần đổi mới vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với tư cách là công cụ để điều tiết vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với ý kiến này và cho rằng doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là “mở đường” trong những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực .
Do vậy, cũng cần phải có tiêu chí đánh giá, giám sát về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, cũng như thực hiện lộ trình tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị cần có một tính toán đánh giá tác động của Đề án này với kinh tế, xã hội trong ngắn hạn, dài hạn cũng như mục tiêu sẽ đạt được của Đề án sẽ như thế nào, gắn với các mục tiêu lớn của Quốc hội đưa ra ra sao.
Nguồn www.chinhphu.vn