Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực bao gồm một số nội dung chính như: Bỏ quy định việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh; bổ sung quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí; bổ sung một số nội dung về điều tiết điện lực…
Giá điện vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước
Câu chuyện về giá điện là nội dung được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận. Theo Dự thảo Luật, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, dự thảo Luật quy định giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với quy định này của Dự thảo Luật. “Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện – loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước” – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Quy định này của dự thảo Luật cũng được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhất trí vì cho rằng, đưa giá điện theo giá thị trường mới thu hút được đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, vừa qua, khi xây dựng Luật Giá thì có nhiều ý kiến khác nhau khi bàn về giá điện. Các ý kiến phân vân về việc nên để giá điện nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn hay trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ phải định giá? Sau khi phân tích kỹ, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, vẫn cần định giá đối với điện. Bởi theo ông, điện lực hiện nay vẫn do Nhà nước độc quyền nên cần định giá để tránh không có giá độc quyền, không tạo ra lợi nhuận độc quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị làm rõ quy định “giá bán điện có sự điều tiết của Nhà nước” là như thế nào? Nhà nước điều tiết bằng cái gì hay bằng hành chính?
Về giá bán lẻ điện, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định giá bán lẻ điện bình quân.
Với quy định của dự thảo Luật về giá điện và các loại phí có liên quan thì có tới 3 loại giá là: Giá phát điện, giá bán buôn và giá bán lẻ điện; có 5 loại phí bao gồm: Phí truyền tải điện, phí phân phối điện, phí điều độ hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí dịch vụ phụ trợ, Chủ nhiệm Phùng Quôc Hiển bày tỏ lo ngại “ nếu quy định có quá nhiều loại giá, phí như trên thì e rằng sẽ đẩy giá điện lên cao”.
Giải trình trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo: Điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt. Việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Vì vậy, Dự thảo đã quy định về chính sách giá điện theo hướng giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Bổ sung phí điều tiết hoạt động điện lực
Dự thảo Luật quy định: Phí điều tiết hoạt động điện lực là khoản thu để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực, được thu hàng năm và xác định trên quy mô phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh mua bán điện năng của đơn vị điện lực; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng do Chính phủ quy định.
Theo Chính phủ, một trong những lý do được đưa ra để thu phí này là, hiện nay, Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) là những cơ quan có hoạt động tương tự như cơ quan điều tiết điện lực cũng đã được phép thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện, phí quyền hoạt động viễn thông. Việc cho phép các cơ quan này được thu phí để bù đắp nguồn kinh phí hoạt động đều được quy định trong văn bản luật chuyên ngành là Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông.
Cơ quan thẩm tra dự án Luật nhất trí với hướng bổ sung này, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo làm rõ lý do giao Chính phủ quy định phí điều tiết điện lực? Bởi trong Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, phí quyền hoạt động viễn thông và phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thì Bộ Tài chính thường là cơ quan chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng chuyên ngành quy định hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết các nội dung liên quan đến loại phí đó.
Quan tâm tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ khoản thu trên đây có đúng là phí không? Nếu đúng là phí thì có nên quy định trong Luật không? Và nếu quy định thì giá điện sẽ tăng lên như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, trong thời gian qua, hoạt động điều tiết điện lực là hoạt động đặc thù, những người làm nhiệm vụ cần có trách nhiệm sâu sắc. Bên cạnh đó, trong định hướng của Chính phủ thì hoạt động này sẽ trở thành một nghề độc lập để thực hiện nhiệm vụ điều tiết điện lực. Do đó, cơ quan điều tiết điện lực cần phải có nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện các hoạt động điều tiết điện lực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH và cho biết sẽ xem xét, bàn kỹ với Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế để làm rõ vấn đề./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam