Quy định cụ thể nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo

Tiếp tục phiên họp thứ 7, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận một số vấn đề quan trọng về dự án Luật Quảng cáo và dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Quy định cụ thể nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo

Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quảng cáo của UBTVQH cho biết, hầu hết đại biểu đều bức xúc với thực trạng nhiều sản phẩm quảng cáo có nội dung không đúng với chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quảng cáo. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ của từng đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo. Cụ thể như: Dự thảo mới đã bổ sung quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo trước khi thực hiện hợp đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo mà người quảng cáo cung cấp; quy định người quảng cáo cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo; bổ sung quy định người quảng cáo phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo...

Với nội dung cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, UBTVQH tán thành giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Bởi UBTVQH cho rằng, hiện nay, phương tiện quảng cáo thuộc quyền quản lý của nhiều Bộ: báo chí, mạng thông tin máy tính, phương tiện điện tử và xuất bản phẩm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; hạ tầng, vị trí đặt bảng quảng cáo, pa nô, băng rôn thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường; phương tiện giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải; chương trình văn hóa, thể thao, triển lãm thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; hội chợ thuộc Bộ Công Thương…. Trong khi đó, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý sản phẩm quảng cáo, chứ không phải quản lý phương tiện truyền tải sản phẩm quảng cáo đó. Hơn nữa, Nghị định 185/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và cho đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn tiếp tục được Chính phủ phân công nhiệm vụ này.

Liên quan đến những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, Dự thảo Luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

Ngoài những điều chỉnh trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử; quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung vào dự luật điều khoản cấm những quảng cáo có nội dung bất bình đẳng giới.

Cân nhắc bổ sung chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân của 10 nhóm người có công

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Thẩm tra dự án, Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí với đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ về thực trạng và những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh hiện hành để điều chỉnh kịp thời những điểm bất hợp lý, tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện chính sách là rất cần thiết.

So với quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người có công, dự thảo Pháp lệnh bổ sung chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân của 10 nhóm người có công.

Cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết mở rộng chế độ ưu đãi này. Tuy nhiên, mức độ mở rộng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với khả năng ngân sách. Theo cơ quan thẩm tra, với trên 8,8 triệu người có công đã được xác nhận, số liệu dự kiến tăng thêm 800.000 thân nhân người có công được cấp bảo hiểm y tế (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên), dự trù ngân sách tăng 358 tỷ đồng/năm nêu trong Tờ trình của Chính phủ cần phải xem xét thêm, vì theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án này thì sẽ phải cấp thêm bảo hiểm y tế cho khoảng hơn 5 triệu thân nhân người có công, với kinh phí khoảng 2.637 tỷ đồng/năm.

Mặt khác, việc mở rộng chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của tất cả các đối tượng người có công cần được cân nhắc thêm trong bối cảnh đến nay, vẫn chưa có chính sách cấp bảo hiểm y tế đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thành tích kháng chiến.

Do đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá, dự báo đầy đủ về số đối tượng dự kiến tăng thêm và khả năng cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện chính sách này.

Trong trường hợp chưa thể bảo đảm cân đối ngân sách để mở rộng theo phương án Chính phủ trình, cơ quan thẩm tra đề nghị trước mắt, tập trung mở rộng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế đối với thân nhân (không giới hạn độ tuổi) của liệt sĩ, thân nhân (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên) của người có công bị suy giảm từ 61% sức lao động trở lên, là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giải pháp để thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của các đối tượng người có công khác gắn với lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân./. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam