Thiếu vắng "sao mai" ở V-League
Thất bại thảm hại SEA Games 26 chỉ ra những lỗ hổng chết người mà bóng đá Việt Nam đang gặp phải. Thực tế ông Mai Đức Chung sẽ còn rất nhiều việc để làm, khi các học trò trong tay ông đều ở diện "tiềm năng".
Bởi trong danh sách tập trung tới đây, chỉ có vài ngôi sao đã và đang thử lửa ở cấp độ V-League. Chỉ 2 "sao" trẻ Văn Quyết (HN.T&T), Quốc Phương (Thanh Hóa) đã thể hiện được tài năng và trụ lại mảnh đất khắc nghiệt ở V-League 2012.
Còn một số ít còn lại ở đội bóng Hoàng Anh GL, Sông Lam NA, SHB.Đà Nẵng... cũng chỉ sử dụng các cầu thủ trẻ ở mức vừa phải, dù họ có không ít những cầu thủ trẻ xuất sắc trong tay.
Đội bóng duy nhất trẻ hóa lực lượng triệt để là CS.Đồng Tháp và xuất hiện khá nhiều danh sách U22 lần này có thủ môn Bửu Ngọc, tiền vệ Thanh Hiền, hay trung vệ Thanh Hào, Văn Hậu.
Chỉ có điều kế hoạch trẻ hóa lực lượng CS.Đồng Tháp bắt nguồn từ việc CLB liên tục rơi cảnh chảy máu lực lượng. BL Đ đội bóng buộc phải "đôn" cầu thủ trẻ lên đội một sớm hơn dự định.
Sau những khởi đầu ấn tượng, những cầu thủ trẻ CS.Đồng Tháp có dấu hiệu sa sút, khi đội bóng áo vàng tụt đứng áp chót BXH sau 14 lượt đã đấu. Rõ ràng độ chín các cầu thủ trẻ Đồng Tháp vẫn chưa lớn, đồng nghĩa đội chủ sân Cao Lãnh đang mạo hiểm với kế hoạch lần này.
Có quá ít cầu thủ đá chính V-League khiến U23 Việt Nam từng thất bại thảm hại tại SEA Games
Số cầu thủ đá V-League đã hiếm hoi, số tuyển thủ U22 còn lại chủ yếu đang chơi đội hạng Nhất, hạng Nhì. Với một đội hình chênh lệch như thế, U23 Việt Nam từng thất bại thảm hại tại SEA Games 26 ở đất Indonesia. Vì một số trụ cột như Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng, Đình Tùng cũng không thể xóa lập được sự non nớt kinh nghiệm, yếu kém bản lĩnh của những đồng đội còn lại.
Ngoài vấn đề về kinh nghiệm, đẳng cấp của số tuyển thủ U22 cũng có vấn đề. Chỉ nhìn thử ở hàng công, những trung phong như Minh Tuấn (Trẻ SHB.ĐN), Đình Bảo (SL.NA), Duy Long (HN.T&T)... chỉ mới ở dạng tiềm năng. Dù các CLB đang chơi V-League, các chân sút này vẫn ít ra sân và chủ chứng tỏ mình đủ sức trụ lại V-League...
Với đội hình non nớt và thiếu kinh nghiệm chinh chiến thế này, U22 Việt Nam thực sự gặp khó ở vòng loại tới đây. Bởi chỉ nhìn kinh nghiệm và sự chuẩn bị, U22 Hàn Quốc, U22 Malaysia hay U22 Myanmar đã có sự đầu tư chu đáo từ nhiều năm trước.
Không trồng cây khó mơ ngày hái quả
Nỗi lo lớn nhất lúc này của ông Chung "xe ca" không khác gì ông Falko Goetz ở SEA Games 26 vừa qua. Lúc này trong đội hình, chỉ có vài cái tên như Văn Quyết, Quốc Phương, Bửu Ngọc, Thanh Hiền là có suất đá chính ở V-League. Còn những nhân tố còn lại ở môi trường cạnh tranh ít quyết liệt hơn, dẫn đến khoảng cách giữa các cầu thủ với nhau. Các tuyển thủ tập trung lần này mới chỉ là thứ "lúa non", chưa đủ sức gánh vác trọng trách nặng nề vòng loại U22 châu Á tới đây.
Nhìn lại V-League lúc này, các CLB đang quá mải mê chạy theo thành tích, mà quên dựng cho mình một cái gốc. Bản thân các đội bóng chỉ lo mua "sao", nhập tịch ngoại binh, chứ không lo gì đến việc đào tạo cầu thủ trẻ.
Ngay như V.Hải Phòng đổ cả trăm tỷ vào sàn chuyển nhượng cũng chưa thể thoát khỏi vị trí cuối bảng xếp hạng. Một cầu thủ trong đội nói vui BLĐ đội bóng đất Cảng lâu nay chỉ chạy theo thành tích, chưa chịu chăm chút khâu đào tạo trẻ. Nếu V.Hải Phòng đổ 3 tỷ/năm cho các đội "U", bóng đá Hải Phòng đã không phải sống cảnh lay lắt thế này.
Nhìn đâu cho xa, Sài Gòn FC, V.Ninh Bình, N.Sài Gòn, K.Kiên Giang... cũng chưa ý thức xây dựng các tuyến trẻ, để hướng đến việc "trồng cây đến ngày hái quả". Hậu quả lúc này, bóng đá nội thiếu hẳn những tài năng trẻ xuất sắc, U22 Việt Nam tập trung lại lo cảnh thiếu đi những cầu thủ hội đủ tài năng, kinh nghiệm trong đội hình.
Bóng đá VN đang phải trả giá cho chính sách "xây nhà từ nóc" vẫn còn ám ảnh nhiều CLB cả chục năm làm chuyện nghiệp. Để rồi chưa đến ngày xuất quân, U22 Việt Nam thiếu hẳn những "sao Mai" tài năng và cá tính để giúp đội nhà đảm bảo suất tham dự VCK U22 châu Á diễn ra vào năm 2013.
Nguồn VnMedia Online