Nâng cao chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề

Chiều ngày 12/4, tiếp tục Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, trong đó việc nâng cao chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề là hai vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Về điều kiện được miễn đào tạo nghề; miễn, giảm tập sự nghề luật sư, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Theo đó, đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp và cán bộ pháp luật trong bộ máy nhà nước thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.

Nhất trí về sự cần thiết phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, tuy nhiên Thường trực Ủy ban tư pháp (UBTP) cũng cho rằng, việc dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư so với Luật hiện hành đối với thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp và điều tra viên, theo dự thảo Luật thì các chức danh này cần phải có thời gian công tác 5 năm trở lên thì mới được xét miễn là không hợp lý. Vì trước khi được bổ nhiệm các chức danh này, họ đã trải qua trường đào tạo các chức danh tư pháp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể tỏ ra băn khoăn: Việc quy định về thời gian công tác 5 năm trở lên đối với các chức danh tư pháp trên căn cứ vào những nội dung nào: về kinh nghiệm, khả năng, độ chín nghề nghiệp hay điều nào khác? Do vậy, đa số ý kiến đề nghị, đối với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì nên giữ như quy định hiện hành.

Bàn về quy định các trường hợp bị xử lý hình sự không được hành nghề luật sư, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhằm tạo cơ hội cho những người này hướng thiện và có cơ hội hành nghề. Thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành với những lập luận của Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ luật sư có phẩm chất, chuyên môn tốt, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng không nên để những người có án tích được hành nghề luật sư để nâng cao chất lượng luật sư.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể đề nghị, nên liệt kê từng loại đối tượng bị xử lý hình sự, không nên đánh đồng mà cần cân nhắc, có quy định chặt chẽ hơn.

Liên quan đến quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tại điểm a, khoản 4, Điều 17 dự án Luật có những quan điểm khác nhau. Thường trực Ủy ban tư pháp đề nghị cần xem xét lại quy định này vì quy định cho phép được “kiêm nhiệm” hành nghề như dự thảo sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi đó hoạt động giảng dạy phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian. Do đó, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng công việc.

Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đưa lập luận: Nên cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư bởi trên thực tế giảng viên có kết hoạch và thời gian giảng dạy cụ thể, chính vì thế họ có thể sắp xếp được công việc để tham gia hành nghề luật sư. Hơn thế, việc tham gia bào chữa cho họ có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Về quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, đa số ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu của quá trình cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và là xu hướng chung của pháp luật các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý thức pháp luật và tình hình diễn biến tội phạm ở nước ta hiện nay thì trước mắt, việc duy trì quy định cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong tố tụng hình sự là cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy. Do vậy, đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ và quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư cũng như bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại đề nghị: Việc bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nên để mở cả 2 phương án (bỏ hoặc không) để tiếp tục thảo luận xin ý kiến Quốc hội./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam