Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII)
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Ảnh: Chinhphu.vn
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ, hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của Đảng, tham gia tích cực vào các hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Tổ chức của Hội ngày càng được mở rộng, vị trí, vai trò, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định. Quan hệ hợp tác của Hội đối với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực trên thế giới đã góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị, Hội nghị có trách nhiệm kiểm điểm nghiêm túc, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được và những tồn tại yếu kém, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW. Trên cơ sở đó, Hội nghị rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong tổ chức thực hiện tốt hơn Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cho biết, sau khi Chỉ thị số 56-CT/TW được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị từ việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, phân công trách nhiệm giúp cấp ủy, chính quyền theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Đến nay, hệ thống tổ chức của Hội đã phát triển rộng khắp ở 63 tỉnh thành phố bao gồm: 63 tỉnh, thành Hội; 404 quận, huyện Hội; 1.954 chi Hội xã, phường, thị trấn và 56 chi Hội trực thuộc Trung ương Hội.
Hiện nay Hội Luật gia Việt Nam có trên 44.000 hội viên, trong đó số hội viên là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam chiếm trên 70%. Cùng với việc tăng cường về số lượng, Hội cũng luôn chú trọng đến củng cố và nâng cao chất lượng hội viên, bảo đảm tất cả các hội viên đều có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiện, nếu như trước đây, hoạt động của các cấp hội ở địa phương, phần lớn còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền hoặc của Trung ương Hội, bị động, lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức tổ chức và hoạt động thì từ sau khi có Chỉ thị số 56-CT/TW, nhiều cấp hội đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, có những phương thức sinh hoạt sinh động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và điều kiện cụ thể của địa phương.
Phạm vi các hoạt động của Hội được mở rộng hơn so với trước, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác chủ yếu như tham gia xây dựng pháp luật; tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật; hòa giải các tranh chấp ở cơ sở…
Trong 10 năm qua, ở Trung ương Hội đã tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý kiến có chất lượng 118 dự án luật, pháp lệnh, nghị định. Theo báo cáo của 58 tỉnh, thành Hội, các cấp hội địa phương đã tham gia xây dựng trên 38.450 văn bản quy phạm pháp luật, các tổ chức hội ở cơ sở đã tham gia xây dựng hàng ngàn quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước…
Trong 10 năm qua, các cấp hội đã tổ chức gần 610.000 buổi tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật cho hơn 31,4 triệu người dân, tổ chức gần 1.850 đợt tuyên truyền lưu động…
Trong công tác hòa giải, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, qua thực tiễn cho thấy, các hội viên của các Chi hội luật gia cơ sở xã, phường thực hiện là một trong những lực lượng quan trọng trong các tổ hòa giải ở cơ sở, tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cộng đồng, các hoạt động phòng chống, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa phương. Theo báo cáo của 12 tỉnh, thành Hội, trong 10 năm qua, các cấp Hội đã tham gia hòa giải được hơn 88.850 vụ việc, trong đó có gần 53.000 hòa giải thành công.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam được củng cố và phát triển, quan hệ hợp tác của Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được mở rộng.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Hiện cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế và tồn tại. Trong đó, chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động của một số cấp hội trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số cấp hội hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, chưa gắn các hoạt động của Hội với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vì vậy, đề cập đến phương hướng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Hiện cho biết, sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng kết quả thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các cấp hội, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị trong thời gian tới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức và hoạt động của các cấp hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân, vì dân và chủ động hội nhập quốc tế.
Đồng thời đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam, tăng cường sự lãnh đạo về tư tưởng, chính trị và tổ chức đối với Hội Luật gia Việt Nam, kịp thời phổ biến, quán triệt tới các cấp hội luật gia các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục lãnh đạo xây dựng và củng cố Hội Luật gia Việt Nam để Hội thực sự là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp đặc thù của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm cho Hội thực hiện tốt các mặt công tác trọng tâm.
Mặt khác tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức luật gia và cá nhân luật gia tiến bộ ở các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường phối hợp giữa Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo chỉ đạo công tác của Hội trong thời gian tới, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thống nhất, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam phát triển đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Nguồn www.chinhphu.vn