Với kinh phí 500 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2011, dự án chăn nuôi bò đã được triển khai cho 50 hộ dân hai thôn, mỗi hộ được nhận 1 con bò và chi phí làm chuồng trại, tương đương mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, hiện đàn bò phát triển tốt. Chỉ mới gần 6 tháng nuôi, đàn bò đã sinh sản được thêm 12 con.
Mô hình nuôi ong lấy mật của bà con thôn Cầu Gãy. Ảnh: V.Thanh
Ông Trần Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Hải cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò là mô hình mới được triển khai cho đồng bào 2 thôn này, trong số 50 hộ được nhận nuôi, sau 3 năm tính từ ngày giao, mỗi hộ dân nhận nuôi sẽ trả lại 1 con bò, tương đương với giá trị bò được nhận nuôi trước đó để chuyển giao cho các hộ khác cùng nuôi. Đây là điều kiện để giúp những hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định sản xuất “.
Tương tự, dự án chăn nuôi dê với tổng vốn gần 60 triệu đồng cũng đang được triển khai thực hiện và được chia làm 4 mô hình/2 thôn, mỗi mô hình được 4 con/hộ. Hiện số lượng đàn dê mỗi hộ nhận nuôi đã phát triển thêm được 7 con.
Không chỉ dừng lại ở phát triển chăn nuôi, dự án xây dựng hệ thống canh tác cũng đang được triển khai thực hiện với các mô hình như: trồng các loại cây phân tán, nuôi ong lấy mật dưới tán vườn điều, thử nghiệm giống mới và chuyển giao mô hình thâm canh cây lúa...
Theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm dự án (Văn phòng UBND tỉnh), qua một năm triển khai đã mang lại thành công. Gần 1.000 cây phân tán đã được trồng như: dừa, mít, chanh... đang phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt cao. Mô hình này không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, cải thiện môi trường sinh thái..., mà còn tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc thu hoạch các sản phẩm. Riêng với mô hình thử nghiệm giống mới và chuyển giao mô hình thâm canh cây lúa được thực hiện và đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha, tăng so với canh tác truyền thống của đồng bào trước đây, từ 2 đến 2,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên phù hợp, mô hình nuôi ong lấy mật cũng đã được triển khai cho đồng bào nuôi tại 2 thôn với số lượng 105 thùng. Do thuận lợi về điều kiện chăm sóc thả nuôi, nguồn mật được lấy từ hoa rừng tự nhiên nên chất lượng mật tốt và giá thành khá cao, tạo thêm được nguồn thu cho người dân. Không những thế, để đồng bào là những phụ nữ có công ăn việc làm ổn định, có thêm thu nhập, các dự án khác như: Dự án kết hạt cườm, Dự án bon sai mini... cũng đã và đang được Hội Phụ nữ tỉnh và Vườn Quốc gia Núi Chúa triển khai, thu hút nhiều hộ dân tham gia.
Nhờ triển khai các dự án, từ chỗ năm 2011, hai thôn có đến 103 hộ nghèo thì nay chỉ còn trên 80 hộ nghèo, nhiều hộ đã có những chuyển biến cả về nhận thức, năng lực sản xuất để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải phấn khởi: Việc triển khai mô hình chăn nuôi và xây dựng các hệ thống canh tác không những giúp đồng bào Raglai ở địa phương giải quyết được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo... mà đây còn là điều kiện để giúp đồng bào thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đê nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, cùng sự nỗ lực của người dân, tin rằng đồng bào Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, xã Vĩnh Hải sẽ từng bước thoát nghèo hiệu quả và bền vững.
Ngũ Anh Tuấn