Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn
Hôm nay, 6-4, liên bộ Tài Chính - Nội vụ tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến với 63 địa phương nhằm tổng kết Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trên cơ sở đó đề xuất định hướng đổi mới trong thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và được truyền hình trực tuyến trên mạng internet để các cán bộ cơ sở và nhân dân cả nước theo dõi, đóng góp ý kiến.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tại đầu cầu truyền hình Hà Nội. Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội còn có đại diện Lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự Hội nghị tại các đầu cầu địa phương có lãnh đạo UBND, Sở Tài chính - Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan.
Gỡ bỏ rào cản phát triển
Theo đánh giá của liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, trong 6 năm triển khai Nghị định 130, đối với các bộ đã giao thực hiện chế độ tự chủ cho 100% đơn vị trực thuộc. Ở địa phương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng, ban thuộc cấp huyện đã có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bàn giao chế độ tự chủ đối với các đơn vị trực thuộc.
Ảnh: Chinhphu.vn
Về sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế, tính đến năm 2010, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiết kiệm được 1.273 biên chế; các địa phương tiết kiệm được 8.886 biên chế. Mức chi trả thu nhập ở các bộ, ngành địa phương bình quân tăng từ 0,1 – 0,5 lần mức tiền lương cấp bậc, chức vụ.
Thực hiện Nghị định 43/ 2006, sau 4 năm thực hiện, toàn quốc đã có 25.631 đơn vị sự nghiệp công lập đã được bàn giao tự chủ tài chính. Số thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Năm 2008 đạt khoảng trên 37.509 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 40.056 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Nghị định 130 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng và tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao; từng bước khắc phục tình trạng cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc của cấp dưới, cấp dưới chờ đợi sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên.
Báo cáo của liên bộ Tài chính - Nội vụ cũng khẳng định, sau 6 năm thực hiện, Nghị định 43 đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu đối với từng lĩnh vực trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực hiệu quả;
Trên cơ sở mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) giao đã từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội; tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến - Ảnh Chinhphu.vn
Hoàn thiện những nội dung chưa phù hợp
Báo cáo tổng kết của liên bộ Tài chính - Nội vụ cũng như ý kiến thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị cũng nêu ra những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định 130 và Nghị định 43.
Nghị số 130 quy định việc xác định định mức ngân sách giao thực hiện cơ chế tự chủ chủ yếu căn cứ vào biên chế, nên chưa gắn với kết quả, chất lượng công việc. Các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương luôn có xu hướng đề nghị tăng biên chế để được giao tăng kinh phí tự chủ.
Quyền tự chủ của thủ trưởng đơn vị còn hạn chế, do cơ quan được tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhưng mức chi không được vượt các tiêu chuẩn, định mức chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Kinh phí giao thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo có chứng từ, hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định; vì vậy nhiều khoản chi (khoán văn phòng phẩm, khoán sử dụng điện thoại tại công sở...) cơ quan thực hiện tự chủ đã thực hiện khoán cho (từng bộ phận, cán bộ) nhưng vẫn phải có hoá đơn để hợp thức hoá chứng từ quyết toán.
Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí và đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động) còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng NSNN; chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí; nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với những dịch vụ công.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng những hạn chế, bất cập nêu trên là chính xác và cần thiết phải sớm nghiên cứu để tháo gỡ, khắc phục.
Đối với Nghị định 130, sẽ điều chỉnh theo hướng mở rộng thực hiện đối với tất cả Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; quy định các cơ quan được phép sử dụng lợi thế về khoảng không trụ sở, sân vườn cho thuê để tận thu bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan; bổ sung quy định cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được chủ động quyết định việc tổ chức tuyển dụng trên cơ sở xác định vị trí việc làm, định mức công việc cán bộ công chức theo quy trình tuyển dụng được pháp luật quy định.
Đối với Nghị định 43, sẽ có các giải pháp nhằm đổi mới phương thức đầu tư của NSNN theo hướng NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng miền núi, biên giới và hải đảo.
Thực hiện chuyển đổi từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ đơn vị cung cấp (không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập) nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho rằng đối với những nội dung của hai Nghị định đã khẳng định tính đúng đắn thì cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc.
“Có những nội dung cần sửa, nhưng cũng có những nội dung do triển khai thực hiện không đúng. Ngoài ra còn có nguyên nhân của bất cập, hạn chế là do thiếu các cơ chế đồng bộ của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải do quy định của Nghị định”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại để hướng dẫn kỹ những gì chưa rõ, tổ chức thực hiện chưa tốt để có điều chỉnh cho phù hợp.
Nguồn www.chinhphu.vn