Nghị quyết T.Ư 4 nêu rõ, có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, và nguyên nhân thì có nhiều, nhưng căn bản nhất là do công tác tự phê bình và phê bình của các cá nhân, tập thể bị buông lỏng, nếu có thì cũng hời hợt, hình thức, nể nang, né tránh.
Trên thực tế, việc thực hiện tự phê bình, phê bình là rất khó và nhạy cảm. Khó là vì con người ta không dễ vượt qua chính mình, chưa kể nhỡ thực thà tự phê bình lại là cơ hội để người khác gây bất lợi cho tiền đồ của chính bản thân mình...
Còn nhạy cảm là bởi dại gì mà đi “gây thù chuốc oán” với người khác, rồi cũng phải tính đến người ta phê bình lại mình, vì ai chẳng có khuyết điểm, không nhiều thì ít...
Kiểu tư duy này đã “ăn” khá sâu vào tiềm thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và hậu quả là những yếu kém, khuyết điểm trong đời sống và công việc hằng ngày bị tồn đọng hết năm này qua năm khác mà không được chỉ ra để sửa chữa. Trước thực tế này, Nghị quyết T.Ư 4 đã cảnh báo, những yếu kém, khuyết điểm trong nội bộ Ðảng, nhất là công tác tự phê bình và phê bình nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng Ðảng, đặc biệt là tự phê bình và phê bình. Theo Người: Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện như cơm ăn, nước uống, như không khí để thở của người cách mạng. Mục đích là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.
Ðể Nghị quyết T.Ư 4 thật sự đi vào cuộc sống và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tự phê bình và phê bình, hằng ngày mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần thực thà tự phê bình, mà trước hết là tự phê bình trước chính bản thân mình, sau đó là trước tập thể để đồng chí, đồng nghiệp của mình góp ý thêm nhằm kịp thời sửa chữa yếu kém, khuyết điểm.
Xét về tâm lý bình thường của con người, nếu bản thân thực thà tự phê bình tốt hằng ngày nhằm khắc phục khuyết điểm thì sẽ thấy thoải mái, rồi đồng chí, đồng nghiệp của mình cũng không nhắc lại nữa và chính họ cũng sẽ tự giác thực thà tự phê bình bản thân mà không cảm thấy áy náy, lo lắng, đặc biệt sẽ tạo nên không khí sinh hoạt cơ quan, đơn vị nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm túc, hiệu quả. Xét về lô-gic, nếu thực thà tự phê bình tốt hằng ngày, nhất là được đồng chí, đồng nghiệp góp ý thêm thì mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta sẽ dần được hoàn thiện và ít mắc phải những khuyết điểm trầm trọng trong đời sống và công việc.
Dưới ánh sáng Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” và việc thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta sẽ góp sức quyết định vào việc khẳng định vai trò lãnh đạo trường tồn của Ðảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu : Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Báo Nhân Dân