Thuận Bắc vững bước trên đường phát triển

(NTO) Ngày mới tái lập tỉnh, vùng đất thuộc huyện Thuận Bắc hôm nay còn rất nghèo về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn còn thấp. Nhưng với truyền thống đoàn kết của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.

Nhớ lại 20 năm về trước, lên vùng cao Phước Kháng, Phước Chiến phải vượt qua những con đường rừng gập ghềnh sỏi đá. Đoạn đường bằng “gang tay” nhưng lại cách trở nên cảm giác xa hun hút. Dấu ấn ngày đầu chia tách tỉnh, ở địa phương chẳng có gì ngoài vài ba con đập nhỏ. Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, cộng với tập quán sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi thấp. Bà con chưa hình dung được giống mới ra sao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là gì! Thế mà sau 20 năm, địa phương đã phát triển đi lên, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

 
 
Huyện Thuận Bắc chào mừng 20 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Về nông nghiệp, kể từ năm 2004, hồ Sông Trâu có dung tích chứa 10,3 triệu m3 nước đưa vào sử dụng đã nâng diện tích gieo trồng từ 6.700 ha lên 10.300 ha. Có nước, địa phương chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật, nên năng suất và sản lượng không ngừng tăng cao.

 
Hồ Sông Trâu phát huy hiệu quả tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Năm 2011 sản xuất lúa đạt 26.000 tấn, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2005 và khoảng 7 lần so với năm 1992. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hằng năm trên địa bàn là 10.764 ha; sản lượng lương thực đạt khoảng 30.301 tấn. Tới đây, khi công trình thủy lợi hồ Bà Râu, dung tích chứa 4,6 triệu m3 nước hoàn thành, diện tích gieo trồng ở địa phương còn tăng thêm. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ chỗ hộ nghèo năm 2005 là 46,1%, đến cuối năm 2011 chỉ còn 21,57%. 

Phát huy hiệu quả tưới của hồ Sông Trâu, nông dân xã Lợi Hải trồng lúa nước đạt năng suất cao.
 Ảnh: Duy Anh

Thuận Bắc sau gần 6 năm tách ra từ huyện Ninh Hải (10-2005), nay đã và đang trở thành một huyện khá phát triển. Quê hương cách mạng với sự kiện lịch sử phá Khu tập trung Bà Râu, chọc thủng “lá chắn thép” của Ngụy quyền, giờ đây đã và đang xây dựng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Dự án Resort Ganesa Phước Chiến, Khu Du lịch Bình Tiên. Những dự án trên được xem là “điểm nhấn” để phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc, như: Ma Trai, Suối Tiên, Kiền Kiền, Ba Hồ…

 

Mô hình khu du lịch Bình Tiên- một trong những điểm nhấn kinh tế của huyện Thuận Bắc.

Huyện Thuận Bắc khi xưa thuần nông nổi tiếng với các phẩm vật lưu truyền trong dân gian: gà Bà Râu, heo Suối Đá, cá Sông Trâu… đã quyết tâm chuyển biến mạnh mẽ, khai thác lợi thế phát triển công nghiệp. Với điểm xuất phát “trắng” về công nghiệp thì hiện nay lĩnh vực này tỷ trọng chiếm 52,74%. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy đã hình thành và đi vào sản xuất ổn định. Ngay như năm 2011, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng lạm phát, nhưng Nhà máy Xi-măng Luks sản xuất được 291.000 tấn, đạt 72,8% kế hoạch, gạch Tuynen 44 triệu viên, đạt 88% kế hoạch, đá Granite 12.000m2, phân vi sinh 11.500 tấn, vượt 10% kế hoạch. Đáng mừng là, mới đây tỉnh đã chấp thuận địa điểm đầu tư và làm lễ động thổ khởi công một số dự án lớn ở địa phương, như: Nhà máy Chế biến Rau câu Sơn Hải, Nhà máy sản xuất, lắp ráp máy phát điện động cơ diezen và năng lượng tái tạo…

 
Nhà máy xi măng luks xây dựng tại xã Công Hải góp phần phát triển kinh tế- xã hội huyện Thuận Bắc
Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc nhìn nhận, so với ngày đầu tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội ở địa phương có nhiều đổi mới và phát triển. Một số lĩnh vực từ con số không, nay đã hình thành và phát triển như công nghiệp. Năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được nâng lên, nhiều mô hình có hiệu quả được nhân rộng. Văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi khởi sắc. Đạt được kết quả trên, đó là nhờ vào sự quan tâm đúng mức của Trung ương, tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng các công trình, dự án và sự nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện.

Phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại vừa và nhỏ là lợi thế
phát triển kinh tế của huyện Thuận Bắc.     Ảnh: S.Ngọc

Thuận Bắc đang phấn đấu xây dựng huyện nhà thành khu kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch nhanh nền kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp, xây dựng - Nông, lâm, thủy sản - Du lịch, dịch vụ” và đến năm 2020 cơ cấu theo hướng “Công - nghiệp, xây dựng - Du lịch, dịch vụ-nông, lâm, thủy sản”. 

 
Một góc xã Lợi Hải, trung tâm huyện lỵ Thuận Bắc . Ảnh: Sơn Ngọc

Quy mô nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được nâng cao hơn. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: Trước mắt, trong năm 2012, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II. Trong đó, tập trung phát triển 3 ngành kinh tế chủ lực là công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ. Kêu gọi, thu hút đầu tư trong công nghiệp; quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển thương mại - dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.