Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật mới sửa đổi, bổ sung 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành. Trong đó, 3 nhóm vấn đề lớn với 21 nội dung được đề xuất sửa đổi với mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế; đồng thời tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế…
Đơn cử, ở nhóm vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian làm thủ tục hoàn thuế được rút ngắn khá nhiều. Trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày được rút xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Với nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, dự thảo luật do Chính phủ trình đã bổ sung quy định để xử lý linh hoạt hơn việc xóa nợ tiến thuế, tiền phạt…
Qua thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung sửa đổi về cơ bản chỉ mới tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa thể hiện rõ mục tiêu tạo công cụ vĩ mô để góp phần chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong việc nộp, khai thuế. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là tương đối thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu. Đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mức phạt phải cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng mới có ý nghĩa. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng ý với quan điểm này và đưa ra phương án lấy lãi suất ngân hàng hiện hành cộng với một tỷ lệ phù hợp làm căn cứ tính mức phạt, vì nếu đưa ra mức “cứng” là 0,1%/ngày có thể sẽ lạc hậu khi lãi suất ngân hàng thay đổi.
Cũng trong nội dung xử lý vi phạm về thuế, mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nâng mức phạt này lên gấp đôi.
Tuy nhiên, cân nhắc toàn diện vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cảnh báo: “Nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và ngăn ngừa việc đó là rất khó”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận về điều kiện xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, tại dự án luật điều kiện xóa nợ còn lỏng lẻo, khi chỉ có hai điều kiện là đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và đã quá 10 năm. Theo ông Lý, nếu không quy định gia cảnh, tài sản, nhân thân thì có thể có sự móc nối để kéo dài thời gian nộp thuế, vì “cứ quá 10 năm là thoát”. Theo ông, cần quy định tiêu chí, điều kiện để xóa nợ cụ thể hơn ngay trong luật này.
Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ông Hiện yêu cầu xác định rõ cấp có thẩm quyền xóa nợ và số nợ tối đa cấp đó được quyết định xóa. Khái niệm “rủi ro” cũng cần định nghĩa rõ ràng ngay trong Luật để tránh lạm quyền…
Phân vân về hiệu lực thi hành của Luật (dự kiến là ngày 01-01-2014), Phó Chủ tịch Quốc hôi Uông Chu Lưu cho rằng “quá dài”, mất đi phần nào ý nghĩa tạo thuận lợi cho hoạt động thu – nộp thuế trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật về việc giữ quan điểm cân bằng khi nhìn nhận về đối tượng nộp thuế và thu thuế. “Những người nộp thuế rất đáng trân trọng. Họ không những tự nuôi sống bản thân và gia đình mà còn làm nghĩa vụ với quốc gia, đóng góp cho xã hội. Thuế là kết quả của sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh bao giờ cũng có độ rủi ro của nó. Vì thế, phạt phải nghiêm, nhưng phải thiết kế nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có xem xét những tình huống rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra xem xét, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và đấu tranh với những hình thức gian lận thuế ngay từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Theo ông, các cơ quan phụ trách thu thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Nguồn Báo SGGP Online