Bắt đầu lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

TS.Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết đến năm 2014 sẽ không còn hình thức BHYT tự nguyện mà chỉ còn BHYT bắt buộc.

 TS.Tống Thị Song Hương cho biết, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân nhằm đảm bảo toàn bộ dân số cả nước tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

TS.Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - Ảnh: Chinhphu.vn

Tạo nguồn tài chính ổn định cho BHYT

Các mốc thời gian quan trọng trong lộ trình này là ngày 1/1/2010 toàn bộ học sinh tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc. Năm 2012, toàn bộ hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp phải tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc. Mốc thứ ba là ngày 1/1/2014, tất cả các nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT để bắt đầu lộ trình BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, thời điểm chúng ta thực hiện được BHYT toàn dân còn liên quan đến cả quá trình tổ chức thực hiện. Việc tổ chức triển khai thực hiện BHYT toàn dân là vấn đề đòi hỏi cần có sự cam kết của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, còn cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức về BHYT…

Trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 thì mục tiêu chung hướng đến năm 2015 đạt trên 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 là 85%, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Tỷ lệ tham gia BHYT với một số nhóm đối tượng được thể hiện ở các mục tiêu cụ thể như: cận nghèo (50% vào năm 2015; 79% năm 2020), học sinh sinh viên (100% năm 2015), hộ gia đình nông dân có mức sống trung bình (40% năm 2015, 65% năm 2020), lao động trong doanh nghiệp (75% năm 2015, 90% năm 2020).

TS.Tống Thị Song Hương cho biết, đây là mục tiêu chúng ta đặt ra nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu làm thế nào để tiến tới mục tiêu là 100% dân số tham gia BHYT.

Dần khắc phục hạn chế về chính sách

Một trong những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt khi thực hiện lộ trình BHYT toàn dân là chúng ta mới có 20 năm thực hiện BHYT trong khi một số nước như Đức đã thực hiện hơn 100 năm, các nước khác bình quân là 70-80 năm.

Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng bao phủ còn đang rất khó khăn, kể cả những đối tượng bắt buộc tham gia BHYT cũng chưa đạt 100%. Đối tượng tự nguyện vì nhiều lý do tỷ lệ tham gia không cao.

“Mặc dù chúng ta có Luật nhưng tính tuân thủ luật BHYT chưa đạt theo yêu cầu. Còn nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trốn hoặc nợ đóng BHYT”, bà Hương cho biết.

Đơn cử như, việc tuân thủ pháp luật của người lao động trong các doanh nghiệp về tham gia BHYT không nghiêm. Người sử dụng lao động không tuân thủ, người lao động thiếu hiểu biết về quyền lợi BHYT. Thanh, kiểm tra không thường xuyên, xử phạt chưa đủ mạnh… Công tác tuyên truyền về BHYT còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin về quy định của Luật BHYT.

Bên cạnh đó, là khó khăn liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nên người dân chưa mặn mà BHYT.

Mặt khác, chúng ta đang phải giải quyết vấn đề là lựa chọn phương thức thanh toán cho chi phí khám chữa bệnh BHYT thực sự có hiệu quả; đảm bảo việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, cân đối quỹ BHYT và duy trì tính bền vững của chính sách BHYT.

Bên cạnh đó, chính sách đối với người cận nghèo chưa thúc đẩy việc tham gia như mức hỗ trợ đóng BHYT, nhận thức về lợi ích và mức chi trả.

Đó là những khó khăn lớn của Việt Nam hiện nay khi thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Xây dựng mô hình BHYT phù hợp

Theo TS.Tống Thị Song Hương, không có một mô hình tổ chức BHYT nào là hoàn hảo. Các nước khi triển khai chính sách an sinh xã hội trong đó có BHYT đều phải xuất phát từ thực tế của quốc gia đó để đưa ra một mô hình thích hợp.

Do đó, dựa trên kinh nghiệm của mỗi quốc gia, chúng ta học hỏi, lựa chọn và chắt lọc những gì tốt nhất, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam để áp dụng.

Ví dụ đối với Hàn Quốc, kinh nghiệm làm thế nào để chỉ trong vòng 26 năm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, làm thế nào để việc tổ chức, triển khai Luật BHYT đảm bảo có 1 hệ thống đồng bộ, thống nhất, hiệu quả duy trì tính đồng bộ của chính sách. Hàn Quốc có những quy định rất cụ thể liên quan đến cam kết chính trị, thu đóng BHYT và xử phạt khi các tổ chức, cá nhân không đóng BHYT… Đó là những điểm mà chúng ta cần phải học tập trong tiến trình triển khai thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, cần làm tốt một số nhóm giải pháp: xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT; đổi mới nội dung và tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức phù hợp với nhóm đối tượng và điều kiện tiếp cận thông tin; phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong đóng góp, thúc đẩy sự tham gia BHYT.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ trong đó có xây dựng, triển khai chương trình bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh BHYT, thực hiện chính sách đầu tư cho mạng lưới khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở. Đổi mới hệ thống tài chính y tế…

Nguồn www.chinhphu.vn