Mở đầu cho “Tuần lễ Văn hóa và Phát triển” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 5-9/3 là cuộc đối thoại mở về “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Đối thoại về “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa
vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”. Ảnh: Chinhphu.vn
Học cách tài trợ và tiếp nhận tài trợ
Các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích khu vực tư nhân (các quỹ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hội doanh nghiệp và nghề nghiệp...) tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời hướng đến thiết lập mối quan hệ đối tác đa ngành trong những chương trình phát triển văn hóa.
Bà Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức phi Chính phủ trong nước và giới truyền thông, tất cả đều có những nguồn ý tưởng vô cùng phong phú. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể cung cấp tài chính, tiên phong trong việc tìm kiếm và triển khai các hỗ trợ sáng tạo cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết dù ở các nước phát triển nhất, việc xây dựng thói quen hợp tác giữa các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp với các cơ quan văn hóa là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, cần phải làm thế nào để giúp cho doanh nghiệp làm quen với cách thức và nguyên tắc tài trợ dành cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chứ không phải là sự can thiệp trực tiếp, làm sai lệch và biến tướng di sản.
“Vì vậy, cần phải học để biết cách làm tài trợ và tiếp nhận tài trợ”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, bổ sung thêm vai trò tư vấn, theo dõi, đánh giá giám sát, của các tổ chức xã hội phi Chính phủ để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản theo đúng chuẩn và quy tắc quốc tế. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản vật thể, có rất nhiều công trình, đồ thờ tự đang bị làm sai lệch đi không gian văn hóa lịch sử vốn có của nó và tất cả những điều đó không được hỏi ý kiến cộng đồng, bản thân người dân thấy xa lạ với sự đầu tư đó.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Một trong những vấn đề đặt ra tại buổi đối thoại là làm sao nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Bởi đôi khi, chính cộng đồng do không nhận thức được hết, thậm chí không biết về những giá trị của di sản văn hóa ở chính địa phương mình, từ đó lợi dụng chính di sản văn hóa để kinh doanh, làm biến tướng di sản.
Về vấn đề này, bà Katherine cho rằng vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc chia sẻ thông tin với cộng đồng, giúp họ hiểu được những giá trị của di sản văn hóa ngay chính địa phương mình cũng như thúc đẩy khu vực tư nhân chung tay hỗ trợ bảo tồn phát huy văn hóa và di sản văn hóa.
Bà Katherine cũng nhấn mạnh đến việc, cần đưa giáo dục về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vào nhà trường, dạy cho các em học sinh về các loại hình di sản phi vật thể, phương thức tiếp cận và cách bảo tồn, phát huy giá trị…
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã đưa Hát Xoan vào trường học, một trong những biện pháp để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vừa được UNESCO công nhận, cũng như là một trong những biện pháp để lưu truyền cho thế hệ sau khi mà những nghệ nhân Hát Xoan không còn nhiều.
TS. Lê Thị Minh Lý cho biết, chúng ta có xếp hạng các di sản, có đầu tư của nhà nước theo sự xếp hạng đó, tuy nhiên, có những di sản rất quan trọng đối với cộng đồng nhưng không được xếp hạng hoặc có được xếp hạng nhưng chưa được quan tâm đúng mức và bị thiệt thòi. Do đó, các nhà tài trợ có thể quan tâm đến những di sản đó trước hết là di sản ở dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.
TS.Lê Thị Minh Lý đưa ra một ví dụ về gói tài trợ của Chính phủ Na Uy dành cho bảo tồn di sản cồng chiêng ở Đắk Nông đã đáp ứng được yêu cầu của Quỹ ủy thác của Na Uy cho UNESCO ở những điểm như: di sản ở vùng dân tộc thiểu số; trong 5 tỉnh có di sản cồng chiêng được công nhận thì Đắk Nông là tỉnh mới chia cắt nên còn gặp khó khăn trong việc tự hoạch định chính sách cũng như kế hoạch bảo tồn di sản. Gói tài trợ này được ủy thác giám sát qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Paris (Pháp) đã đem lại hiệu quả lớn cho dự án cũng như việc dựa vào cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nguồn www.chinhphu.vn