Từ khi ra đời, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam luôn được sự quan tâm, dìu dắt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bác Hồ từng nói "Nếu không giải phóng phụ nữ, là xây dựng CNXH chỉ một nửa". Thấy được vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ, trong từng thời kỳ cách mạng, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm thực hiện nam, nữ bình quyền.
Ðồng thời, khơi dậy tiềm năng và tạo điều kiện để phụ nữ cống hiến và phát triển. Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã xác định các quyền công dân, trong đó có quyền bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ. Năm 1982, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Năm 2006, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới và năm 2007 thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ðặc biệt, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ngày 27-4-2007 nêu rõ: "Phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới...".Với sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ðội ngũ cán bộ nữ trên một số lĩnh vực phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phụ nữ tham gia cấp ủy xã, huyện và đại biểu HÐND ba cấp đều tăng; phụ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, là nữ công chức trong cơ quan hành chính từ cấp huyện đến trung ương chiếm 31%. Những năm gần đây, cùng với toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân, các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Là tổ chức đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phong trào phụ nữ phù hợp từng thời kỳ cách mạng. Trong mỗi giai đoạn phát triển, Hội luôn giữ vai trò nòng cốt tập hợp các tầng lớp phụ nữ trong công nhân, nông dân, trí thức và lực lượng vũ trang... trên khắp mọi miền đất nước. Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" ngày càng được phụ nữ hưởng ứng rộng rãi, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cụ thể hóa vào phong trào thi đua của từng ngành, địa phương, tạo sự chuyển hóa về chất trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác phụ nữ còn một số hạn chế, đồng thời có những vấn đề mới đặt ra cần được tích cực giải quyết. Công tác vận động phụ nữ chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ - người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện con người và xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi; phụ nữ ít có cơ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; tình trạng bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ... vẫn đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, là những cản trở lớn đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn có những định kiến hẹp hòi về giới; chưa thấy hết tầm quan trọng của bình đẳng giới, vai trò, năng lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội; một số nơi còn có biểu hiện "khoán trắng" công tác phụ nữ cho Hội Phụ nữ...
Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội LHPN Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu, đề xuất và vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; cán bộ hội phụ nữ các cấp phải gương mẫu, đoàn kết, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam.Với mục tiêu "Ðoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển" chúng ta tin tưởng Ðại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI thành công tốt đẹp.
Nguồn Báo Nhân Dân Online