Xây dựng mô hình Viện Kiểm sát cần bước đi và lộ trình cụ thể

Ngày 12/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương họp phiên thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự.Cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến về các đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, “Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố” và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Toà án, Viện Kiểm sát.

 

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn khác nhau đối với các đề án, mô hình tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao và việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trước khi báo cáo Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp.

Về đề án nghiên cứu chuyển đổi mô hình Viện Kiểm sát, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, qua nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các nước, các mô hình, chuyên gia, lấy ý kiến các bộ ngành địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giữ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát hiện nay có sự tiếp thu và phát triển những hạt nhân tinh hoa của các mô hình khác cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, Viện Kiểm sát vẫn giữ chức năng thực hành quyền công tố và giám sát các hoạt động tư pháp như hiện nay và tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của phát triển đất nước.

Đối với mô hình tố tụng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giữ nguyên “Mô hình tố tụng thẩm vấn” hiện nay có kết hợp, chắt lọc tinh hoa của “Mô hình tố tụng tranh tụng” nhằm bảo phát huy được vai trò dân chủ trong các hoạt động tư pháp.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ vị trí, chức năng, quyền hạn, mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Đồng thời, tán thành Viện Kiểm sát tiếp tục thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động xét xử của Toà án.

Bên cạnh đó, các ý kiến đều tán thành cải cách tư pháp phải lấy “Toà án làm trung tâm”, do dó quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 cần xác định rõ Toà án là chỗ dựa công lý cho nhân dân. Vì vậy, Toà án phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thẩm phán cần được bổ nhiệm suốt đời.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nêu rõ, việc xây dựng mô hình của Viện Kiểm sát phải dựa trên cơ sở phù hợp với mô hình của Toà án nhân dân tối cao, có bước đi và lộ trình cụ thể, không chậm trễ cũng không nóng vội, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng, nhằm xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các thành viên của Ban Chỉ đạo cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở tiến hành thảo luận những vấn đề đang có ý kiến khác, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, kịp thời phục vụ cho công cuộc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Nguồn www.chinhphu.vn