Ngày 2-3-2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 43-HD/TG về việc tuyên truyền kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (01-4-1992 - 01-4-2012) gắn với kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975- 16-4-2012); giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2012). Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu nội dung Hướng dẫn nêu trên.
Phần thứ nhất
CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG
I/ CHIẾN THẮNG 16-4-1975-MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NINH THUẬN
1. Diễn biến
Trong những năm 1973, 1974 cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động. Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy mô lớn bằng các kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" và những cuộc hành quân "bình định" lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.
Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy.
Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phóng Phước Long (06/01/1975), cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử: “Cả năm 1975 là thời cơ... nếu thời cơ đến vào đầu năm hay cuối năm thì lập tức giải phóng miền Nam Việt Nam trong năm 1975”, và quyết định tổng tấn công, nổi dậy giải phóng miền Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – Mùa Xuân năm 1975.
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, lúc 9g30 ngày 16-4-1975.
Ảnh: Lê Văn Đức
Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long- cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31-3-1975, Bộ Chính Trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở Miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm : “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh uỷ Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh uỷ Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.
Sau khi tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 1 đến 3-4-1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông-Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của 2 huyện Bác Ái, Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông -Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.
Chiều ngày 7-4-1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ tối cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và nhân dân Xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh uỷ Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng tỉnh nhà.
Nhân dân Ninh Thuận phấn khởi chào mừng ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra. Lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; Mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; Mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An-Tháp Chàm. Trung tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi cho máy bay xuất kích 37 lần đánh vào Trung đoàn 101, nhưng đội hình của quân ta vẫn tiến nhanh về phía trước.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
2. Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận
- Đảng bộ Ninh Thuận quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.
- Nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; xác định rõ vị trí, đặc điểm của địa phương, ra sức củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền cách mạng vững mạnh; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.
- Nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.
- Xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi.
- Sự lãnh đạo toàn diện, chủ động và trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
II/ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TOÀN THẮNG, MIỀN NAM VIỆT NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975)
Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên và Khu V, giải phóng ven biển miền Trung, ngụy quân, ngụy quyền tan rã từng mảng, hoang mang và hỗn loạn, lâm vào thế thất bại hoàn toàn không thể cứu vãn nổi, Hội nghị Bộ chính trị ngày 1-4-1975 kịp thời bổ sung thêm quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, và ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Với khí thế quyết chiến, quyết thắng, tất cả vì chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam, quân và dân các tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ phối hợp chiến đấu cùng cánh quân duyên hải tiến quân thần tốc, vừa đi vừa đánh địch, giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19-4; đến 20-4 đại quân ta tiến tới Rừng lá, cách Xuân Lộc 20 km, khống chế cánh cửa phía Đông của quân ngụy Sài Gòn.
17 giờ ngày 26-4-1975, ta bắt đầu tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn -Gia Định, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực ngụy, sau đợt tấn công cuối cùng, đến 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975 chiếc xe tăng dẫn đầu đội hình tiến công của quân đoàn hai húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Tổng thống ngụy quyền, báo hiệu giờ cáo chung của chế độ Sài Gòn đã đến. Một số cán bộ, chiến sĩ ta tiến vào phòng họp của Dinh Tổng thống buộc Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân ngụy hạ vũ khí. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu Thành phố Sài Gòn - Gia định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30-4-1975 trở thành ngày Hội mừng chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh với quy mô lớn nhất và ác liệt nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Với chiến thắng 30-4-1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Bắc -Nam sum họp một nhà. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm lịch sử. Có được thắng lợi như vậy xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Trong suốt 21 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta kết hợp tài tình 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở 2 miền đất nước nhưng cùng nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, với đường lối ấy, Đảng đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Thắng lợi của Việt Nam đã củng cố niềm tin và cổ vũ sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Lào và Campuchia đi đến toàn thắng, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Phần thứ hai
NINH THUẬN - 20 NĂM NỖ LỰC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
I. MIỀN ĐẤT VÀ CON NGƯỜI NINH THUẬN
Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là tâm điểm vùng tam giác phát triển du lịch Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt. Bờ biển dài 105 km thoải, sạch, đẹp với nhiều bãi biển đẹp, có tiềm năng để phát triển du lịch; nước biển ở đây có độ mặn cao hơn so với các vùng khác, có nguồn thủy hải sản phong phú thuận lợi cho khai thác, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, khai thác khoáng sản và các khu công nghiệp chế biến các loại nông sản có chất lượng cao...
Với khí hậu đặc thù, ít mưa giông, thừa nắng ấm, đây là lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và đã được Chính phủ chọn đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là tiềm năng để Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương như nho, táo, mía, neem, hành, tỏi, bò, dê, cừu,... Diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 2/3 diện tích tự nhiên, có nhiều gỗ và dược liệu quí. Tài nguyên, khoáng sản phong phú như: đá vôi, san hô, Granite, Titan,... có trữ lượng lớn có thể phát triển thành một ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, Ninh Thuận còn được biết đến là miền đất phong phú về lịch sử văn hóa, là điểm hội tụ của văn hóa tộc người Chăm và Raglai; còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa Chăm được thể hiện qua nghệ thuật dân ca, múa Chăm, các làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc cổ ChămPa, Tháp Pô Klong Grai được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia,... đó là những nét văn hóa mang đậm dấu ấn của vùng đất Ninh Thuận.
II. NINH THUẬN TRƯỚC NGÀY TÁI LẬP TỈNH (01-4-1992)
Ngay từ khi tỉnh nhà được giải phóng, ta đã nhanh chóng tiếp thu, tiếp quản các cơ sở; thành lập chính quyền cách mạng lâm thời các cấp, ban bố lệnh thiết quân luật để giữ gìn an ninh, trật tự, ổn định tình hình địa phương. Tháng 5-1975, tỉnh Ninh Thuận được sắp xếp lại gồm có 4 huyện và 1 thị xã (các huyện: Ninh Hải, An Phước, Ninh Sơn, Bác Ái và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm). Chiến tranh kết thúc nhưng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội; nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân ta lúc này là xây dựng lại quê hương, đất nước, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ninh Thuận thời kỳ này một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát nền kinh tế cũng như trình độ dân trí còn rất thấp; trật tự an ninh sau chiến tranh còn nhiều diễn biến phức tạp; bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể mới thành lập chưa ổn định, chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo quản lý. Để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, Đảng bộ tập trung lãnh đạo quân và dân trong tỉnh ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm; tích cực xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa với tinh thần tích cực, khắc phục khó khăn và đã thu hút ngày càng đông người đến trưởng lớp; ngành y tế nhanh chóng đi vào hoạt động; lực lượng quân sự của tỉnh được quan tâm củng cố và phát triển...
Từ tháng 02 năm 1976 đến năm 1991, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Ninh Thuận là một phần ở phía Bắc tỉnh Thuận Hải. Thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bước đầu tạo một số chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Năng lực sản xuất được giải phóng, nguồn vốn trong nhân dân được huy động đầu tư mở rộng sản xuất. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đều có bước phát triển mới, kinh tế nhiều thành phần phát triển đa dạng. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước, nhất là ở vùng đồng bằng; công tác xây dựng Đảng được tăng cương, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;...
Tính đến cuối năm 1991, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng phấn khởi. Tổng sản phẩm xã hội tăng 7,7%, trong đó ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 23,8%, nông nghiệp 63,4%, thu nhập quốc dân tăng 7,9% so với năm 1990. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 112.112 tấn, bình quân 274 kg trên đầu người. Kim ngạch xấu khẩu đạt 3,795 triệu USD, thu ngân sách 20,3 tỷ đồng. Các sản phẩm thiết yếu về lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng căn bản đáp ứng nhu cầu tại chỗ, thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Đây chính là tiền đề cho bước phát triển trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh Ninh Thuận.
Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh Thuận Hải, tại kỳ họp thứ 10 ngày 26-12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ ngày 01-4-1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động; có 4 đơn vị hành chính, gồm: thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước.
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện, 1 thành phố trực thuộc; với diện tích tự nhiên 3.358 km2 tổng dân số gần 600.000 người, gồm 27 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai,... đã tạo nên truyền thống đoàn kết trong lao động, chung sức bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
III. NHỮNG THÀNH TỰU QUA 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội 10 năm; tháng 10 năm 1992 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1992 – 1995 là: Phát huy tối đa các lợi thế của tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên lực lượng của mọi tầng lớp nhân dân, sử dụng có hiệu quả liên doanh hợp tác, sự giúp đỡ của Trung ương để đẩy nhanh nhịp độ phát triển tiến kịp với yêu cầu cả nước và các tỉnh bạn. Ra sức xây dựng kinh tế, đồng thời chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị.
Sau 4 năm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội VIII và Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh. Với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, giành được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện, đi dần vào thế ổn định. Tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh (GDP) tăng liên tục, bình quân hàng năm đạt 8,8% (mục tiêu là 7%), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2,25 triệu đồng.
Một góc Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm . Ảnh: Tuấn Dũng
Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8,6%. Chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu một số cây trồng. Tổng sản lượng lương thực từ 112.112 tấn lên 140.000 tấn, nhìn chung cân đối được lương thực trong tỉnh. Tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm tăng từ 17% lên 22% như cây nho, thuốc lá, mía, hành, tỏi. Chăn nuôi phát triển khá và dúng hướng, nhịp độ tăng bình quân hàng năm 7,7%. Lâm nghiệp đã tiến hành giao đất khoán rừng 57.397 ha, qui hoạch lại các cơ sở khai thác và chế biến gỗ; khai thác hàng năm đạt 4.000m3 đủ tiêu dùng ở địa phương. Giá trị ngành thủy sản tăng bình quân 6,8%, sản lượng đánh bắt tăng từ 12.300 tấn (năm 1991) lên 19.500 tấn (năm 1995); diện tích nuôi tôm phát triển từ 465 ha lên 590 ha.
Cụm công nghiệp Thành Hải thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất
góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ảnh: Văn Miên
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 9,1%. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội được mở rộng và phát triển nhanh chóng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Công tác tài chính, tín dụng, ngân hàng từng bước đổi mới, phát triển khá; hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển, thị trường ngày càng mở rộng, hàng hóa phong phú, đa dạng hơn, lưu thông thuận lợi đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân.
Nhân hạt điều xuất khẩu- sản phẩm chủ lực của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản . Năm 2012,
Công ty phấn đấu đạt doanh thu 50 triệu USD, thu nhập lao động bình quân 3 triệu đồng/người/tháng
Văn hóa – xã hội từng biến chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất của các ngành phát thanh truyền hình, văn hóa, thể dục – thể thao được tăng cường. Hàng năm giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, hộ khá giàu tăng lên, giảm hộ nghèo. Lĩnh vực giáo dục – đào tạo có nhiều đổi mới và đạt những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động khoa học – công nghệ bước đầu ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật phục vụ các chương trình kinh tế, dân sinh.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chuyển biến khá, chất lượng khám và chữa bệnh có tiến bộ. Hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế trong toàn tỉnh được nâng cấp, kể cả trang thiết bị. Quốc phòng – an ninh được tăng cường và củng cố, chính trị ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chăm lo, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và kiện toàn từng bước.
2. Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và bước đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua 5 năm 1996-2000, tỉnh nhà có bước phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra.
Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang có trên 270 công nhân phấn khởi bám vùng nguyên liệu,
bám nhà máy hoạt động. Kế hoạch sản xuất năm 2012,Công ty phấn đấu đạt 13.400 tấn đường RS tăng 4.100 tấn
so với năm 2011, doanh thu đạt 243 tỉ đồng.
Nền kinh tế tiếp tục phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, tạo thêm năng lực sản xuất mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 6,2%; GDP bình quân đầu người đạt 3.260.000 đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 1995. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng bình quân 4,7%. Sản lượng lương thực tăng 5.000 tấn so với kế hoạch; các loại cây công nghiệp tăng nhanh, đặc biệt sản lượng mía tăng gấp 3 lần. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, giá trị tăng bình quân hàng năm 5,3%. Việc giao rừng cho dân quản lý, bảo vệ được chú trọng. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 12,7%, sản lượng tăng 11.500 tấn, trong đó tỷ trọng nuôi trồng tăng 40% trong tổng giá trị toàn ngành; năng lực khai thác hải sản tăng 102%; hình thành 2 vùng sản xuất tôm thịt tại Đầm Nại và Phú Thọ. Đã định hình 3 trung tâm sản xuất tôm giống tại Văn Hải, An Hải, Khánh Hội, năm 2000 sản xuất 1,5 tỷ con giống, tăng 6,25 lần so với năm 1995, trở thành vùng sản xuất tôm giống lớn của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 11,5%, chiếm 13,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển đa dạng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu qua 5 năm đạt 37 triệu USD. Tổng mức mua bán hàng hóa và dịch vụ tăng 7,7 lần. Năng lực sản xuất mới tăng thêm cả ở khu vực nhà nước và dân doanh, tạo thế phát triển cho những năm sau.
Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: V.Thanh
Tổng vốn đầu tư 5 năm (1996-2000) ước đạt 1.350 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần thời kỳ 1992 - 1995. Nổi bật là tập trung ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng và nâng cấp 8 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đặc biệt công trình thủy lợi hồ Tân Giang; xây dựng hệ thống nước sạch ở nông thôn. Có 95% xã có đường ô tô lưu thông thuận lợi. Mạng lưới điện, bưu chính viễn thông phát triển nhanh, số người sử dụng máy điện thoại tăng 24% (bình quân 4,06/100 dân). Hệ thống trường học được tu bổ và nâng cấp theo hướng bán kiên cố, kiên cố và lầu hóa. Chú trọng đầu tư nâng cấp bệnh viện tỉnh, các trung tâm và trạm y tế, xây dựng bệnh viện Ninh Sơn. Bộ mặt thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện lỵ không ngừng khởi sắc. Hoạt động tín dụng, ngân hàng có chuyển biến tích cực, mở rộng quy mô cho vay đối với người nghèo.
Công nhân Công ty May Tiến Thuận vào ca sản xuất.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cấp trường Sư phạm thành trường Cao đẳng Sư phạm. 100% xã phát động xây dựng Làng văn hóa; nhiều cơ quan, đơn vị là cơ quan, đơn vị văn hóa; phát thanh - truyền hình phủ sóng 98-100% số xã. Báo Ninh Thuận tăng kỳ xuất bản và ấn phẩm, số lượng phát hành tăng 14 lần. Hoạt động khoa học công nghệ đã hướng dẫn việc triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; tham mưu tư vấn và xây dựng các luận chứng phát triển kinh tế - xã hội.
Hồ thủy lợi Sông Trâu phục vụ tưới tiêu cho 3.000ha đất sản xuất và nước sinh hoạt
cho người dân địa phương. Ảnh: Văn Thanh
Công tác xã hội hóa y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú ý. Công tác kế hoạch hóa gia đình góp phần giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,53% xuống còn 1,94%; 96% số xã, phường có trạm y tế; 100% xã, phường có y sỹ. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt hiệu quả khá, giảm hộ nghèo từ 22,7% xuống 11,5%. Hàng năm giải quyết việc làm cho 7.000-8.000 người. Kinh tế xã hội miền núi có chuyển biến về nhiều mặt. Điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi đầu tư nhiều hơn trước, tạo được sự phát triển sản xuất và nâng cao dân trí. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện, 100% xã, 96% thôn đã được sử dụng điện, 1.060 hộ được giao khoán gần 50.000 ha rừng. Tình trạng du canh, du cư đã được giải quyết.
Hồ Sông Sắt- công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Bác Ái có sức chứa gần 70 triệu m3,
bảo đảm nước tưới cho trên 3.800 ha đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư
chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, tình hình chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần NQTW6 (lần 2) tạo chuyển biến bước đầu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chính quyền các cấp thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến tiến bộ, đổi mới về nội dung và phương thức. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, tạo sự thống nhất về chính trị và đồng thuận trong nhân dân.
3. Nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2001 -2005), Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bước đầu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt hiệu quả.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (12/2000) đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005): Đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường và đi vào chất lượng, tạo nhịp độ tăng trưởng khá và bền vững, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng thêm năng lực sản xuất mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo. Giảm nhanh hộ nghèo, ổn định cải thiện mức sống nhân dân. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị - xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh.
Nghề trồng nho đem lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Ảnh: Sơn Ngọc
Năm năm đầu của thế kỷ XXI, tuy điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, liên tiếp bị lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. Nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân mỗi năm tăng 8,2%; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP từ 52,1% (năm 2000) giảm xuống còn 40,9% (năm 2005); công nghiệp, dịch vụ từ 47,9% (năm 2000) tăng lên 59,1% (năm 2005); thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp nhưng cũng tăng 1,6 lần, từ 2,94 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng (năm 2005). Các thành phần kinh tế đều phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư, xây dựng. Tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế bước đầu được phát huy. Những mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, phát triển bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều.
Mùa thu hoạch lúa của nông dân xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: quy mô chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân đều tăng lên; giáo dục ở miền núi, dạy học chữ Chăm, chữ Raglai cho con em đồng bào dân tộc được quan tâm. Các chương trình mục tiêu thực hiện có hiệu quả; giải quyết tốt hơn các vấn đề bức xúc của xã hội; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được đẩy mạnh, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cả ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã có bước cải thiện đáng kể, văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy, tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước đi vào chiều sâu, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sach – vững mạnh bình quân hàng năm đạt 75,7%, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm bình quân đạt 73,7%; chính quyền các cấp được củng cố; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; công tác vận động quần chúng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện tốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành nhà nước có chuyển biến tích cực.
Ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn ra đánh bắt khơi xa. Ảnh: Văn Miên
4. Toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh Ninh Thuận phát huy truyền thống đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI ( 2006 - 2010) của Đảng bộ tỉnh đã đề ra: “Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn; phát triển công nghiệp chế biến, du lịch là động lực cho sự phát triển; chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Đến năm 2010, giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 1,8 - 2 lần; GDP bình quân đầu người đạt 2,1 lần so với năm 2005, đưa tỉnh ta bước vào giai đoạn phát triển nhanh và bền vững”.
Các doanh nghiệp sản xuất giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Văn Miên
So với những năm tỉnh mới tái lập; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước bình quân đạt 8,2%/năm (GDP năm 2010 đạt 10,4%); quy mô nền kinh tế tăng gần 4,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 50% (năm 2010 đạt 50 triệu USD); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 34%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 1992 là 2,25 triệu đồng, đến năm 2010 tăng 11,7 triệu đồng.
Điện lực Ninh Thuận cải tại lưới điện ở huyện Ninh Sơn
Nông nghiệp liên tục được mùa, phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nhanh cây, con có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân 1,6%/năm (năm 1995: 8,6%). Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị cây lương thực, tăng nhanh giá trị cây công nghiệp, rau quả và chăn nuôi; Chương trình “sind hóa” đàn bò, nuôi bò sữa, sản xuất giống lúa, rau quả chất lượng cao có hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,3% (năm 2010); lợi thế sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát huy, sản lượng đánh bắt hàng năm tăng 2,2%, đến cuối năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 10 triệu USD. Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để nông nghiệp, nông thôn và nông dân đẩy mạnh sản xuất; nhiều nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ trong nông thôn được khuyến khích phát triển. Tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư thủy lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, giá trị ngành công nghiệp tăng bình quân 17,9% so với khi tỉnh mới tái lập, cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động như Thủy điện Sông Ông, Xi măng, đồng thời đã khởi công xây dựng mới một số nhà máy chế biến thuốc lá, nước yến, bia,… Các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp duy trì sản xuất và phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm là 14% và chiếm 21% giá trị sản xuất của toàn ngành.
Tuyến đường ven biển phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ảnh: Văn Miên
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng đô thị, cụm dân cư nông thôn có chuyển biến tích cực, đã hoàn thành 60 đồ án quy hoạch chi tiết, cơ bản đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Chủ động xây dựng các dự án, thu hút các nguồn vốn ODA, ADB để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bộ mặt đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới khang trang, sạch đẹp.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, khá đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành. Trong thời gian qua đã trải nhựa 100% đường tỉnh và cơ bản đường huyện; cải tạo nâng cấp cơ bản hệ thống kênh mương, nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Một số công trình trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội được đầu tư và hoàn thành phục vụ tốt nhu cầu dân sinh.
Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc
Tích cực triển khai chủ trương hợp tác phát triển với các tỉnh lân cận, thành phố Hồ Chí Minh và các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực. Đã tổ chức thành công Festival và Hội nghị xúc tiến đầu tư (năm 2009), góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Ninh Thuận, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Khu vực kinh tế tư nhân tăng bình quân 11,5%/năm, đóng góp 67,8% GDP và 50% thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động (tăng gấp 7 lần so với năm 1995).
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Thương mại-dịch vụ có bước phát triển mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân 23,7%/năm. Triển khai chương trình phát triển chợ đạt kết quả, hệ thống Co.op Mart Thanh Hà đã đưa vào hoạt động tạo loại hình dịch vụ văn minh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tập trung triển khai các khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo quy hoạch, như: Ninh Chữ-Bình Sơn, Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná, Mũi Dinh,... Hạ tầng các điểm tham quan du lịch được quan tâm đầu tư, nhất là các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm, các di tích lịch sử, văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên. Doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm là 26,7%. Hệ thống giao thông và phương tiện vận tải tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp và từng bước hiện đại.
Hoạt động bưu chính - viễn thông có bước phát triển mới, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cùng hoạt động, hình thức hoạt động đa dạng, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc trong nước và quốc tế.
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về qui mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa và xã hội hóa giáo dục; tỷ lệ đào tạo giáo viên đạt chuẩn 97%, tỷ lệ giáo dục mầm non đúng độ tuổi đạt 98%. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; công tác dân số, gia đình và trẻ em được chú trọng, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được quan tâm, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tập trung triển khai và từng bước đi vào chiều sâu; có 40,3% thôn, khu phố văn hóa và 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, số hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm, tập trung huy động được nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, tăng hơn 7,2 lần so với những năm đầu tái lập; thực hiện tốt chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước. Các hoạt động tôn giáo thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ, quyền tự do tín ngưỡng của công dân được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đặt biệt, năm 2007 Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng; thị xã Phan Rang-Tháp Chàm được Chính phủ ra Quyết định công nhận lên đô thị loại 3, là thành phố trực thuộc tỉnh.
Công trình Bệnh viện tỉnh quy mô 500 giường bệnh đang hoàn thành, đưa vào sử dụng
nhân dịp chào mừng 20 năm tái lập tỉnh và 37 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên
Quốc phòng – an ninh được củng cố, tăng cường, xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt được nâng cao. Trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện, thành phố được chăm lo xây dựng toàn diện, vững chắc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân hằng năm. Tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn theo hướng tinh giảm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành quản lý xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt hơn vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.
Thiết bị y tế được đầu tư hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Văn Miên
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên luôn được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, có nhiều đổi mới, tạo được sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân trước sự lãnh đạo của Đảng về đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước, địa phương. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu,đã xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, góp phần khắc phục, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối ống trong một số cán bộ, đảng viên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sach – vững mạnh đạt 75,3%; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt 80,3%; bình quân mối năm kết nạp trên 750 đảng viên mới.
Công tác kiểm tra được coi trọng, Ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. Góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân.
Hệ thống khách sạn xây dựng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Công tác dân vận được quan tâm, kiện toàn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đạt nhiều kết quả. Nhận thức, trách nhiệm và thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị được nâng lên, có nhiều chuyển biến, cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương của Đảng sát hợp với lòng dân.
Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng.
5. Bước vào giai đoạn phát triển mới (2011 – 2015), toàn Đảng bộ đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm tiếp theo, đó là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, huy động hiệu quả các nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tập trung nâng cao dân trí, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Năm 2011- với nhiều sự kiện chính trị - xã hội trọng đại đã diễn ra, là năm tiến hành bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016; năm đầu tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng và tác động đối với nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Song với sự ưu tiên hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, sự điều hành quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền, cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những thành tựu phấn khởi.
So với năm 1992, kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng từ nội bộ nền kinh tế là 10,6% (tăng 15,7%), GDP bình quân đầu người đạt 16,3 triệu đồng (tăng gấp 7 lần); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.156 tỷ đồng (tăng 20,5%), là năm đầu tiên tỉnh ta thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra (123,6% dự toán năm); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD (tăng 21,8%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.350 tỷ đồng (tăng 27%).
Nữ cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố
nuôi cấy và tạo ra tế bào giống cây mới.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nhanh cây, con có giá trị kinh tế cao (nông nghiệp tăng 14,8%/năm; lâm nghiệp tăng 6,9%/năm; thủy sản tăng 18,3%). Công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,9%/năm, cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp duy trì sản xuất và phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm là 14% và chiếm 21% giá trị sản xuất của toàn ngành. Tập trung triển khai các khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo quy hoạch, hạ tầng các điểm tham quan du lịch được quan tâm đầu tư, nhất là các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm, các di tích lịch sử, văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên. Doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm là 26,7%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, khá đồng bộ, đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội tăng 27%, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành. Một số công trình trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội được đầu tư và hoàn thành phục vụ tốt nhu cầu dân sinh; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới.
Nông dân ứng dụng cơ giới vào đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Ảnh: Sơn Ngọc
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quan tâm chăm lo phát triển văn hóa – xã hội. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, đảm bảo cân đối về qui mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa và xã hội hóa giáo dục; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp và trúng tuyển vào các trường Đại học ngày càng tăng; năm 2008 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có 21%trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia và 22% số trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, hình thành trung tâm học tập cộng đồng tại 63/65 xã, phường, thị trấn, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học được phát triển rộng khắp, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, công tác đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở tiêp tục được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân (cơ sở khám chữa bệnh tăng 1,2%/năm; số giường bệnh tăng 3,1%/năm, năm 1992 có 923 giường, năm 2011 có 1.635 giường; đã đầu tư xây dựng mới Bệnh viện đa khoa tỉnh và đưa vào hoạt động; đến nay, toàn tỉnh có 26/62 xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới do Bộ Y tế ban hành, chiếm tỷ lệ 40%,..). Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được quan tâm, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác giải quyết việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đã tập trung huy động được nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, tăng hơn 7,2 lần so với những năm đầu tái lập; thực hiện tốt chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; các hoạt động tôn giáo thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ, quyền tự do tín ngưỡng của công dân được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động văn hóa – thông tin phát triển đa dạng, góp phần tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật; phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh; hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình không ngừng phát triển, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố sản xuất nhiều loại giống chất lượng cao
góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc
Quốc phòng – an ninh được củng cố, tăng cường, xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tốt hơn vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trung tâm huyện lỵ Ninh Hải ngày nay. Ảnh: Thanh Long
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; việc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đảm bảo đúng yêu cầu, nội dung, đối tượng và đạt kết quả tốt. Công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái cảu các thế lực thù địch, nhất là hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa được tăng cường, nhất là thông tin về tình hình trên khu vực biển Đông trong thời gian qua được duy trì thường xuyên... qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của biển đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch – vững mạnh 76%.
Trung tâm huyện lỵ Ninh Sơn. Ảnh: Văn Miên
Đội ngũ đảng viên không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng; đến cuối năm 2011, toàn Đảng bộ có 12.838 đồng chí. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành thường xuyên, bảo đảm nguyên tắc tổ chức của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân trước sự lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin trong nhân dân. Công tác dân vận được quan tâm, kiện toàn; nhận thức, trách nhiệm và thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị được nâng lên, có nhiều chuyển biến; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các Hội quần chúng từng bước đi vào chiều sâu, tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; đổi mới nội dung phương thức hoạt động với phương châm “hướng về cơ sở”; tiếp tục nâng cao chất lượng các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”,... Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị, dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng.
Trung tâm huyện lỵ Bác Ái ngày nay. Ảnh: Sơn Ngọc
III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Ưu điểm
Những ngày đầu tái lập, xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội của Ninh Thuận còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng). Giáo dục, y tế còn nhiều khó khăn, mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động xã hội, dịch vụ còn hạn chế… Nhưng là một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, có vị trí là tâm điểm vùng tam giác phát triển du lịch Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt. Nhờ đó, Ninh Thuận có thể chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế biển.
Trung tâm huyện lỵ Ninh Phước ngày nay. Ảnh: Văn Miên
Sau 20 năm tái lập tỉnh (1992 - 2012), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã quyết tâm, phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, IX, X và XI đề ra trên mọi lĩnh vực; đặc biệt, năm 2011 tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020; đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận; thu hút được sự tham gia đầu tư của các Tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với nhiều dự án lớn; nhiều sự kiện văn hóa – xã hội được tổ chức thành công, dư luận đồng tình phấn khởi, tạo được sự lan tỏa lớn trong toàn xã hội. Những thành tựu đạt được có ý nghĩa quan trọng, là động lực thúc đẩy chúng ta thêm sức mạnh, niềm tin, quyết tâm hơn để phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tạo cơ sở và tiền đề vững chắc để Ninh Thuận phát triển trong những chặng đường tiếp theo.
Trung tâm huyện lỵ Thuận Bắc qua hơn 6 năm thành lập phát triển. Ảnh: Sơn Ngọc
2. Tồn tại, hạn chế:
Một là, tuy nền kinh tế phát triển khá toàn diện qua các thời kỳ nhưng chưa thật vững chắc; chưa khai chưa khai thác hết hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn và những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; chưa có sự đột phá trong công nghiệp để tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hai là, chất lượng trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội chậm được nâng lên, nhất là ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Mức hưởng thụ các giá trị văn hóa của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi còn thấp.
Ba là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy Đảng còn hạn chế. Vai trò lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng chưa được phát huy hiệu quả; thực hiện phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng còn hạn chế; hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn lúng túng.
Bốn là, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
Năm là, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước chưa cao. Hình thức tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua chậm đổi mới, cong trùng lắp về nội dung và đối tượng.
Nguyên nhân: Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, tuy nhiên tập trung ở một số nguyên nhân chủ quan:
- Việc triển khai quán triệt, cụ thể hóa để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ ở một số nganh, địa phương chưa kịp thời, có nơi còn lúng túng.
- Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, công chức chưa cao.
- Sự mất cân đối về các nguồn lực chưa được giải quyết tốt, năng lực dự báo, phân tích còn hạn chế.
- Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với các tổ chức hoạt động của chính quyền, mặt trận, đoàn thể chậm đổi mới. Vai trò lãnh đạo của tập thể và người đúng đầu trên một số lĩnh vực chưa phát huy tốt.
3. Bài học kinh nghiệm qua 20 năm xây dựng, phát triển
Một là, Đảng bộ đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, Nghị quyết của Đảng, tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra những chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện.
Hai là, thường xuyên chăm lo công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; luôn coi trọng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp.
Ba là, luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, đồng thời biết chọn khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu đề ra.
Bốn là, chú trọng công tác vận động quần chúng, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc anh em trong tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng.
Năm là, phát huy các lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển theo qui hoạch và kế hoạch; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nhạy bén với cái mới, năng động trong cơ chế thị trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và dân chủ trong nhân dân.
IV. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG 16-4-1975 VÀ NHỮNG THÀNH TỰU QUA 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH; TIẾP TỤC THỰC HIỆN THẮNG LỢI SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NINH THUẬN NGÀY CÀNG VĂN MINH, GIÀU ĐẸP
1. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết, đấu tranh kiên cường, viết lên trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng bằng ý chí cách mạng, với tinh thần tự lực tự cường, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã chiến đấu anh dũng giành thắng lợi to lớn. Ngày 16 tháng 4 năm 1975 Ninh Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Ninh Thuận cùng với cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lực lượng vũ trang ra quân luyện tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Qua 37 năm xây dựng và bảo vệ quê hương (1975-2012), Đảng bộ đã biết tận dụng, phát huy sức mạnh của các nguồn lực để lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; nhất là những thành tựu đã đạt được qua 20 năm tái lập tỉnh... Đây chính là cơ sở, là tiền đề, là động lực thúc đẩy chúng ta thêm sức mạnh, niềm tin mới, quyết tâm phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII (2011 – 2015) của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
2. Đại hội XII Đảng bộ tỉnh đã xác định, giai đoạn 2011-2015 tiếp tục tăng tưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, GDP tăng gấp 2,2 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3-3,3 lần so với năm 2010. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển gắn công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch và phát triển du lịch, dịch vụ. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp, tương ứng tỷ trọng là 40%-35% - 25%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách tối thiểu đạt 10% GDP, thu nhập bình quân đầu người bằng 70% bình quân chung của cả nước.
Quảng trường 16 Tháng 4 rực rỡ pháo hoa đêm giao thừa mừng xuân Nhâm Thìn. Ảnh: Văn Miên
Chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 37 năm giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đón nhận Huân chương độc lập hạng nhất do Nhà nước trao tặng; Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã được trong những năm qua; đồng thời nhận thức sâu sắc những thách thức, khó khăn đang đặt ra trong chặng đường phía trước. Vùng đất kiên trung vốn có truyền thống cách mạng, có nền văn hóa mang đậm sắc thái từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh; với những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, cùng với sức mạnh nội lực và tiềm năng sẵn có, nhất định Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, đưa Ninh Thuận ngày càng phát triển và hội nhập, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy