Dự và chứng kiến Lễ ký có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Cấp cao Thượng viện Chi-lê. Lễ ký được diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu Cấp cao Thượng viện Chi-lê do Ngài Gui-đô Gi-ra-đin La-vin dẫn đầu.
Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện
Cộng hòa Chi-lê (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng vì những ngày vừa qua, Thượng viện Chi-lê và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam đã tiến hành hội đàm và có những cuộc trao đổi hữu nghị, chân thành, cởi mở về nhiều vấn đề thiết thực nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê là kết quả có ý nghĩa đặc biệt của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Cấp cao hai bên; thể hiện quyết tâm, sự tích cực và tinh thần trách nhiệm, khẩn trương của các chuyên gia và cán bộ của hai bên.
Thỏa thuận này sẽ tạo khung pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê, đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu và thực chất hơn, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Chi-lê.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, với quyết tâm chính trị, tình cảm tốt đẹp mà hai bên dành cho nhau, Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê sẽ đạt được nhiều thành công trong quá trình hợp tác thực hiện Thỏa thuận quan trọng này.
Ngài Gui-đô Gi-ra-đin La-vin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam; cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này là một niềm vinh dự đối với ông và Đoàn; đồng thời khẳng định nhân dân Chi-lê sẽ tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước kế thừa truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà các thế hệ lãnh đạo của hai nước trước đây đã thiết lập.
Theo nội dung thỏa thuận, Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê cam kết sẽ tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, quyền tự quyết của mỗi dân tộc và có đi có lại. Hai bên cũng khuyến khích trao đổi các đoàn thăm chính thức và thăm làm việc nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, tin học và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.
Sau Thỏa thuận này, hai bên sẽ thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị và tiến hành trao đổi thường xuyên trong khuôn khổ các quy định hiện hành của hai bên.
Hai bên cũng sẽ thiết lập cơ chế hợp tác kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực lập pháp và giám sát cũng như trong lĩnh vực quản lý hành chính và công nghệ thông tin; ủng hộ và khuyến khích tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Nhà nước hai Chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, y tế, văn hóa, phát triển bền vững và quản lý.
Trên phương diện đa phương, hai bên cam kết tăng cường phối hợp tại các hội nghị và các diễn đàn liên nghị viện như: Liên minh nghị viện thế giới, diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương và các tổ chức nghị viện quốc tế mà hai bên đều là thành viên.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam