(NTO) Mới đây nhất, ngày 13-2-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về việc tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012 và các giải pháp về điều hành tín dụng năm 2012. Theo đó, định hướng của NHNN là tiếp tục điều hành theo hướng chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được giới hạn trong khoảng 15-17% đối với 4 nhóm tổ chức tín dụng. Tỷ trọng dư nợ lĩnh vực không khuyến khích trong tổng dư nợ của tổ chức tín dụng trong suốt năm 2012 tối đa là 16%. Việc phân loại rạch ròi cũng như giao chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng tín dụng sẽ khiến nền kinh tế tiếp tục nhận được một nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng thương mại, trong đó chú trọng hơn ở các đối tượng sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ…Thêm vào đó, các ngân hàng thuộc nhóm 3 và 4 sẽ không phải chịu áp lực về tốc độ tăng trưởng tín dụng mà bằng mọi cách tăng lãi suất huy động.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV Ninh Thuận.
Từ tinh thần của Chỉ thị này cho thấy lộ trình giảm dần lãi suất cho vay và huy động đã có một vài dấu hiệu khả quan.
Đến nay đã có nhiều ngân hàng thực hiện các chính sách giảm dần lãi suất cho vay như: NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank),…với sự điều chỉnh về mức lãi cho vay cũng như đối tượng hưởng mức lãi suất mới.
BIDV là ngân hàng tiên phong trong việc công bố giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục thiên tai. Ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh cho biết: “Trong năm 2011, nhằm mục đích chia sẻ những khó khăn với DN nói riêng và nền kinh tế tỉnh nhà nói chung, để thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, BIDV luôn tiên phong và liên tục 5 lần hạ lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn về chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương. Mức giảm cụ thể: Đối với cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, mức lãi suất cho vay tối đa là 15,7%/năm. Đối với cho vay ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất cho vay tối đa là 16%/năm. Đối với cho vay khắc phục hậu quả bão lũ, mức lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm. Việc giảm lãi suất ngân hàng trong năm 2012 là vấn đề rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Lãi suất phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9-9,5%. Nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm, thì lãi suất cho vay khoảng 13-14%. Về phía BIDV, trong năm 2012, với mục tiêu chung tay chia sẻ cùng khách hàng, khi các điều kiện cho phép BIDV Ninh Thuận sẽ tiếp tục giảm lãi suất tùy thuộc vào tín hiệu thị trường.
Còn theo ông Lâm Hồng Giáp, Giám đốc Chi nhánh Vietcombank tại tỉnh cho biết: Việc chỉ số lạm phát của nền kinh tế được kéo giảm, tình hình thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện và việc thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng đang được thực hiện sẽ tiến dần đến lộ trình giảm lãi suất hiện nay. Các đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay mới hiện nay là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và nông nghiệp, nông thôn (bao gồm hộ gia đình) và khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được Vietcombank áp dụng mức lãi suất 15%/năm. Mức lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay của Vietcombank là 14,5%, so với năm 2011 thì mức này đã giảm xuống 4% (18,5%/năm).
Việc giảm dần lãi suất đến nay chỉ mới diễn ra ở một số ngân hàng, tuy nhiên nếu nhìn vào tương lai khi nền kinh tế đã có những bước phục hồi đáng kể từ năm 2012, nỗ lực kéo giảm chỉ số lạm phát xuống còn 1 con số (dưới 10%), tính thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện thì thời gian mà lãi suất huy động được kéo giảm ắt sẽ không còn xa.
Hồng Nhạn