KỶ NIỆM 57 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2012)

Nâng cao chuyên môn, y đức, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân

Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh nhà đã vượt lên khó khăn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2012), Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế về nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2012.

(NTO) PV: Với mục tiêu của ngành Y tế trong năm 2012 là “Tăng cường y đức, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn”, vậy bác sĩ cho biết, ngành tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì để mang lại kết quả cao nhất?

- Bác sĩ Lê Minh Định: Để thực hiện mục tiêu trong năm 2012, ngành Y tế đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Đó là, tiếp tục kiện toàn hệ thống y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; duy trì mức giảm sinh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể là tập trung hoàn thành các công việc sau: Kiện toàn bộ máy của ngành, đưa Bệnh viện Y dược cổ truyền và Trung tâm Pháp y đi vào hoạt động; hoàn thành xây lắp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Trung cấp Y tế tỉnh. Bổ sung trang, thiết bị, phương tiện, tạo niềm tin cho người dân, hạn chế số bệnh nhân phải chuyển viện lên tuyến trên. Nâng cao năng lực đào tạo của Trường Trung cấp Y tế tỉnh. Chuẩn bị đầu tư Trung tâm Y tế dự phòng đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm-Mỹ phẩm, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Giám định Y khoa. Bổ sung các chức danh quản lý các đơn vị trực thuộc cấp khoa, phòng. Hoàn thành Đề án Cô đỡ thôn bản và Đề án Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân.

Khám và điều trị bệnh cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện tỉnh.
Ảnh: Văn Miên 

- PV: Nhiệm vụ đặt ra thì nhiều, vậy ngành có những giải pháp nào, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Lê Minh Định: Ngành cũng đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện như: Tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành việc thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành Y tế bằng nhiều hình thức như tổ chức hội thi tuyên truyền, nêu gương điển hình người tốt, việc tốt; phát động thi đua toàn ngành…; Tổ chức đào tạo và đào tạo lại, cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ y tế, huấn luyện các quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh lồng ghép với kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cho nhân viên y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn và quy tắc ứng xử ngành Y đối với các đơn vị khám, chữa bệnh; kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vấn đề y đức, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn được đầu tư trang, thiết bị hiện đại phục vụ khám,
điều trị bệnh cho nhân dân địa phương. Ảnh: Văn Miên

- PV: Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bác sĩ có gửi gắm gì đến cán bộ, viên chức trong ngành và nhân dân?

- Bác sĩ Lê Minh Định: Toàn thể cán bộ, viên chức ngành Y tế nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tích cực đóng góp xây dựng đơn vị phát triển, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Về mặt xã hội hóa công tác y tế, tôi mong muốn các nhà đầu tư có định hướng thành lập bệnh viện sẽ ưu tiên lĩnh vực ngoại khoa, tim mạch, ung bướu. Nhân dân trong tỉnh tăng cường ý thức phòng bệnh, xây dựng lối sống lành mạnh, an toàn. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn hiện nay của ngành Y tế, phối hợp tốt với ngành trong công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch, các chương trình mục tiêu y tế, tạo điều kiện cho đội ngũ thầy thuốc thực hiện tốt nhiệm vụ.

- PV: Xin cảm ơn Bác sĩ.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Những thành tích mà ngành Y tế tỉnh ta đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, áp dụng nhiều phương pháp dự phòng và điều trị mới trong cứu chữa bệnh nhân, đã đánh giá sự cống hiến của đội ngũ thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để nhân dân thêm tin tưởng và xã hội mãi tôn vinh nghề y, người thầy thuốc phải là người có tấm lòng nhân ái, giỏi chuyên môn, không ngừng nâng cao y đức, y thuật, tiếp thu tiến bộ y học hiện đại để cứu chữa bệnh nhân.

Tôi luôn tâm đắc câu nói của Y tôn Hải Thượng Lãn Ông: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Vì vậy, bằng những hành động cụ thể và việc làm thiết thực của mình, các y, bác sĩ trẻ hãy noi theo tấm gương của những người thầy thuốc giỏi, có tâm huyết và trách nhiệm cao với nghề để trở thành người cán bộ y tế được nhân dân tin yêu và kính trọng.
Bác sĩ Phạm Trọng Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Những năm gần đây, tình trạng người dân than phiền về thái độ ứng xử cũng như những hành vi tiêu cực ở các cơ sở khám, chữa bệnh trong nước đã hạn chế nhiều. Điều đó chính nhờ các cơ sở y tế đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với “12 điều y đức” và “Quy tắc ứng xử ngành Y”. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, người thầy thuốc cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, có những suy nghĩ và hành động trong sáng, giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, phục vụ bệnh nhân tận tình, ân cần, chu đáo; lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của bệnh nhân làm niềm vui, niềm hạnh phúc của cá nhân mình. Có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức và truyền thống vẻ vang của ngành Y.



 
Chị Nguyễn Thị Thùy Trân, nữ hộ sinh, Trạm Y tế xã Tân Hải (Ninh Hải).

Dù công tác tại Trạm y tế của một xã còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bản thân tôi vẫn luôn nỗ lực và tự nhắc mình thường xuyên tu dưỡng phẩm chất, y đức của một người thầy thuốc. Tân Hải là xã nghèo lại cách xa các bệnh viện nên nhu cầu đến tư vấn, khám, chữa bệnh của nhân dân rất lớn. Trình độ dân trí hạn chế, cộng với lo lắng từ bệnh tật nên đôi khi người bệnh có cách cư xử không hay cũng tạo thêm khó khăn cho cán bộ y tế xã. Tuy vậy, tôi vẫn tâm niệm đặt mình vào vị trí của người bệnh để có cách ứng xử đúng mực, tạo được niềm tin cho bà con nhân dân. Bởi vì, những người tìm đến thầy thuốc, là những người đang phải đối mặt với đau đớn, bệnh tật. Người thầy thuốc không chỉ chữa bệnh bằng chuyên môn mà thái độ, cách giao tiếp cũng góp phần xoa đi những đau đớn bệnh tật, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe.