(NTO) Nếu như trước đây, khâu thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa từng phần với máy tuốt đập lúa, máy gặt xếp dãy thì trong những năm gần đây, việc cơ giới hóa khâu thu hoạch đã có bước chuyển mới, đó là diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã tăng khá mạnh.
Nông dân xã Phước Hữu ứng dụng cơ giới vào thu hoạch lúa. Ảnh: Sơn Ngọc
Cùng với các chính sách hỗ trợ vốn từ Trung ương và địa phương, sự mạnh dạn đầu tư sản xuất của người dân, đến nay toàn tỉnh có trên 120 máy gặt đập liên hợp, chủ yếu là máy có công suất lớn. Máy gặt phổ biến được sử dụng tại tỉnh ta là máy gặt đập liên hợp mang nhãn hiện Minh Phát có xuất xứ từ Trung Quốc, giá từ 250 – 350 triệu đồng và máy gặt đập liên hợp Kubota (Nhật Bản), lắp ráp tại Việt Nam có giá khoảng 500 triệu đồng. Tuy giá thành máy Kubota tương đối cao nhưng đang được người dân lựa chọn vì chất lượng máy tốt, ít hư hỏng, thích hợp với đồng ruộng tại địa phương. Thêm vào đó đến vụ gặt, số lượng máy gặt đập liên hợp ở các tỉnh lân cận cũng tới gặt thuê khá nhiều. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, trong năm qua diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chiếm 40% diện tích sản xuất lúa của tỉnh, chủ yếu tập trung ở hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước.
Theo ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh: Qua thực tế sản xuất, việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giúp giảm tỷ lệ lượng lúa thất thoát trên đồng ruộng hơn 5%, tương đương 4.500 tấn/năm, trị giá khoảng 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu hoạch lúa bằng máy còn giảm chi phí nhân công 700.000đồng/ha, tương đương 10 tỷ đồng/năm. Như vậy việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch lúa đã làm lợi cho nông dân tỉnh ta khoảng 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên mức độ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở tỉnh ta còn phân hóa theo vùng rõ rệt. Ở các huyện miền núi, đất nông nghiệp với địa hình đồi dốc, phân tán nhỏ hẹp, tầng đất canh tác thấp nên việc ứng dụng cơ giới hóa còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vùng đồng bằng, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã có những thuận lợi hơn. Một khó khăn khác trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đó là vốn để đầu tư. Nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất tại một số địa phương còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư đúng mức cho cơ giới hóa sản xuất. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp chỉ mới chủ yếu tập trung trong sản xuất lúa, nhất là ở khâu thu hoạch.
Ông Đặng Ngọc Quang cho biết thêm: “Để thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp, một trong những yêu cầu hiện nay là phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, cung cấp thông tin về chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp đến nông dân, nhất là các chủ trang trại. Đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn cơ giới nông nghiệp đồng bộ từ khâu làm đất gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch. Huy động các dự án hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đầu tư máy móc; kết hợp đẩy mạnh chính sách hỗ trợ trang thiết bị, cơ giới hóa nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất, xây dựng các hợp tác xã, câu lạc bộ khuyến nông vừa sản xuất vừa làm dịch vụ nông nghiệp cho nông dân; thực hiện việc dồn điền, đổi thửa để đồng ruộng có diện tích đủ lớn, giúp máy nông nghiệp hoạt động hiệu quả; từng bước mở rộng đầu tư các chương trình cơ giới hóa với các cây trồng khác như cây mía và cây bắp.
Tin rằng với tính hiệu quả của cơ giới hóa sản xuất, sự quan tâm của Nhà nước trong chính sách hỗ trợ sản xuất, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh ta sẽ có bước chuyển biến mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.
Ngũ Anh Tuấn