(NTO) Sau ngày giải phóng Thủ đô, hậu quả của hơn 80 năm nô lệ thời Pháp thuộc, tình hình đất nước ta nói chung và tình hình sức khỏe nhân dân và vệ sinh môi trường ở nước ta lúc này cực kỳ tồi tệ, dịch bệnh truyền nhiễm tràn lan cộng với tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan nặng nề trong khám, chữa bệnh… Trong thư Bác Hồ gửi cho Hội nghị Y tế toàn quốc ngày 27-2-1955, Bác căn dặn đội ngũ thầy thuốc: “Lương y phải như từ mẫu” là vô cùng thiết thực. Vì chỉ có y tế Cách mạng mới đến gần dân và phục vụ nhân dân, nhất là người nghèo. Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế cũng đã góp phần tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân đội và nhân dân để có nguồn lực chiến đấu, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước do Đảng lãnh đạo, thì việc người thầy thuốc hy sinh, quên mình, tận lực vì người bệnh như người mẹ hiền lại càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Hiện nay nước ta đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền y tế không hoàn toàn bao cấp mà người dân phải đóng góp một phần viện phí, thì vấn đề y đức càng cần phải đặt ra để người thầy thuốc giữ được tấm lòng “Lương y phải như từ mẫu”, "vừa hồng, vừa chuyên" lại càng cấp thiết và thực tế hơn nữa.
Cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thăm khám và điều trị cho bệnh nhân.
Ảnh: A.Tuấn
Suy cho cùng, sức khỏe và tính mệnh người dân không thể đem sự tính toán việc lỗ - lãi như hạch toán kinh tế thông thường được; nhưng việc cứ mãi duy ý chí, với những sự hô hào suông thì không thể có điều kiện để đào tạo ra những thầy thuốc giỏi, xây dựng được những cơ sở khám chữa bệnh, các phòng xét nghiệm, thí nghiệm khang trang và cũng không thể có được các trang thiết bị hiện đại để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Giá viện phí theo Thông tư Liên bộ 14 của Bộ Tài chính-Y tế được thực hiện vào năm 1995 với mức thu một phần viện phí, tức chỉ thu khoảng 30-50% chi phí trực tiếp khám, chữa bệnh và mức lương tối thiểu lúc này là 120.000đ/tháng. Qua 17 năm (1995 - 2012), mặt bằng vật giá đều cùng tăng cao gấp nhiều lần, trong đó có thuốc và hóa chất vật tư y tế, trang thiết bị y tế, xây dựng cơ bản, giá điện, nước, dịch vụ sửa chữa và bảo trì… đều tăng mà bệnh viện phải trả theo thời giá thị trường. Lương tối thiểu hiện nay là 830.000đ/tháng (gấp 6,9 lần năm 1995), mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc cũng đã tăng từ 3% lên 4,5% mức lương CBCC-VC và mức bảo hiểm y tế tự nguyện cũng tăng… thì việc giá viện phí không tăng sẽ là điều bất cập. Khi điều bất cập tồn tại quá lâu mà không được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn xã hội thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy… Trước mắt ai cũng thấy cơ sở vật chất xuống cấp và chật hẹp, chất lượng điều trị giảm, bệnh nhân nằm 2-4 người/giường là do bệnh viện quá tải. Bệnh viện không có kinh phí nâng cấp cơ sở hoặc mở rộng, không có kinh phí bổ sung trang thiết bị hư hỏng và mua sắm trang thiết bị mới… thì rõ ràng là cả thầy thuốc, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng phải khổ, vì muốn được phục vụ tốt hơn mà không có điều kiện cho phép. Rồi từ đó phát sinh ra tình trạng “cò” bệnh viện, lôi kéo bệnh nhân vào những dịch vụ y tế không an toàn, lót phong bì, quà cáp cho thầy thuốc, gửi gắm thư tay hay điện thoại… làm rối sự quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn của bệnh viện … làm cho hình ảnh “Bệnh viện là nhà thương và người thầy thuốc như mẹ hiền” bị phần nào sai lệch mà không ai muốn và xã hội cũng không đồng tình.
Bệnh viện huyện Ninh Sơn đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ tốt nhu cầu chữa bệnh nhân dân.
Ảnh: Văn Miên
Qua tổng hợp từ nhiều ý kiến của các vị có trách nhiệm và ý kiến người dân, bệnh nhân thì đa số cho rằng việc điều chỉnh giá viện phí lần này là hợp lý vì: Người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao hơn do có kinh phí từ nguồn thu viện phí để chi trả các chi phí phục vụ. Có kinh phí để chủ động tái đầu tư nguồn lực lại cho bệnh viện. Có một số giá viện phí cao được giảm như CT.scan. Kích thích người dân tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn, thuận tiện cho việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Tạo môi trường bình đẳng, công bằng trong khám, chữa bệnh…
Việc trăn trở là còn khoảng 7 triệu người dân cận nghèo, Bộ Y tế cũng đang tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ từ 50 – 70% tiền mua BHYT và việc cùng chi trả 5% viện phí ở bệnh nhân nghèo BHYT cũng sẽ được hoàn trả chứ không miễn giảm để tránh tình trạng tiêu cực cũng đang được tính đến để tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách được thụ hưởng dịch vụ BHYT được đầy đủ, thoải mái và an tâm hơn.
Nguyễn Năm