Nhờ có chương trình này, nhiều học sinh đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, miền núi tỉnh Khánh Hoà đã có thêm điều kiện tiếp cận với máy tính và internet, trang bị kỹ năng thực hành tin học, thu hẹp dần khoảng cách số giữa nông thôn - thành thị, miền núi - đồng bằng.
Ảnh minh họa
Trường THCS Trần Đại Nghĩa, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm có hơn 500 học sinh, song bộ môn Tin học mới chỉ được đưa vào chương trình giảng dạy từ đầu năm học 2011-2012. Là trường học thuộc khu vực nông thôn, thiếu máy tính, cơ sở vật chất không đảm bảo khiến nhà trường gặp rất nhiều hạn chế trong việc giúp học sinh tiếp cận với internet và kỹ năng tin học.
Nhờ chương trình "Máy tính cho cuộc sống", đồng thời thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, nếu như cách đây 1 năm chỉ vẻn vẹn với 4 máy tính, đến nay phòng Tin học với 16 máy được kết nối Internet đã giúp nhà trường không chỉ đưa môn Tin học đến với học sinh khối lớp 6, 7, mà còn tổ chức được các cuộc thi như tiếng Anh và giải toán trên internet do Sở GD-ĐT phát động. Cũng trong năm học này, học sinh khối 9 của trường có thêm lựa chọn học nghề là bộ môn Tin học, bên cạnh nghề điện và cắm hoa.
Thầy Nguyễn Thế, Hiệu trưởng trường THCS Trần Đại Nghĩa, huyện Cam Lâm cho biết: "Kể từ đầu năm đến nay, việc dạy học cho các em khối 6, khối 7 và tiến hành giải toán trên internet gặp rất nhiều thuận lợi. Tại hội nghị phụ huynh học sinh đầu năm học, tất cả cha mẹ các em đều rất mừng vì lần đầu tiên nhà trường tổ chức dạy tin học cho học sinh".
Là 1 trong 47 tỉnh thành trên cả nước được thụ hưởng chương trình "Máy tính cho cuộc sống", năm 2011, Khánh Hòa đã được trao tặng 50 bộ máy vi tính, 50 bộ tài liệu học tập và hỗ trợ cài đặt kết nối internet miễn phí cho 9 đơn vị trường học và lực lượng vũ trang trên địa bàn. Trong đó, dành 40 bộ máy cho các trường THCS thuộc vùng nông thôn và miền núi ở các huyện, thị trong toàn tỉnh. Nhờ sử dụng đúng mục đích mà bước đầu, chương trình đã đạt được những kết quả khả quan. Song song với các tiết học bằng giáo án điện tử, học sinh khu vực nông thôn đã được làm quen và thực hành với máy tính, kỹ năng tin học nhờ đó được nâng lên.
Nhằm phát huy, nhân rộng ý nghĩa của chương trình, Sở Thông tin - Truyền thông đã thành lập Ban vận động làm đầu mối chủ trì việc kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm tham gia đóng góp, ủng hộ để chương trình đến được với nhiều đối tượng khó khăn khác.
Ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Khánh Hòa cho biết: "Tiếp bước chương trình Máy tính cho cuộc sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm và vận động nhiều máy hơn cho các cháu, cho các sinh viên vùng xa vùng sâu, các huyện khó khăn, cán bộ biên phòng, vùng biên giới hải đảo. Bây giờ, Internet băng thông rộng phát triển rất mạnh, đưa các em tiếp cận internet cũng là tiếp cận với những văn minh, kiến thức khoa học kỹ thuật".
Cùng với nhiều chương trình khác như "Hành trình xanh", "Máy tính với cộng đồng", dự án "Viettel với Internet trường học", chương trình "Máy tính cho cuộc sống" đã và đang góp phần tích cực trong việc xã hội hóa cộng đồng, chung tay giúp cho đội ngũ giáo viên, học sinh ở các địa bàn khó khăn trong tỉnh có điều kiện tiếp cận với internet, phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, tìm kiếm tài liệu, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Qua hơn 3 năm triển khai, ước tính đã có hơn 10.000 người dân cả nước được thụ hưởng từ chương trình.
Nguồn VTV.VN