Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị tại địa phương

Thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về Kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn A,Quyền Giám đốc Sở Tư pháp về công tác phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật năm 2012…

(NTO) Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011 tại tỉnh ta?

- Đồng chí Phạm Văn A: Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 101/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cả ba cấp đã triển khai chương trình công tác cụ thể hàng năm về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật (PB-TT-GDPL). Công tác PB-TT-GDPL đã từng bước khẳng định vị trí là một trong những hoạt động trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng và là phương tiện không thể thiếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa tại địa phương.

Trong năm 2011, nhiều loại hình PB-TT-GDPL đã được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng và đã đạt được kết quả khá toàn diện là nâng cao được nhận thức pháp luật; từng bước hình thành tư duy và hành động “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cộng đồng xã hội. Điểm nổi bật là hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền đã được kiện toàn, củng cố và được bồi dưỡng kỹ năng để làm nòng cốt tại địa phương, cơ sở (hiện nay có 84 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 652 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 869 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã). Trong năm 2011, Hội đồng công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã biên soạn, phát hành Sổ tay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch liên tịch về giải quyết khiếu nại và tăng cường hòa giải ở cơ sở. Nhiều mô hình về công tác PB-TT-GDPL có hiệu quả thiết thực như Chương trình “Pháp luật và cuộc sống”; chuyên mục “Tiếng nói cử tri”; “hộp thư truyền hình”; “xây dựng gia đình văn hóa” và triển khai “Ngày pháp luật” đã được đưa vào cuộc sống… Công tác phối hợp PB-TT-GDPL đã góp phần cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thành công, đúng pháp luật và góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa - giáo dục; quốc phòng - an ninh …

Tuy nhiên, hoạt động phối hợp PB-TT-GDPL vẫn chưa đồng bộ; hiệu quả công tác PB-TT-GDPL về việc góp phần hình thành thói quen, hành vi ứng xử chưa được trở thành ý thức thường xuyên và một số loại hình công tác PB-TT-GDPL chưa được phát huy tốt.

- Phóng viên: Như vậy, theo đồng chí, cần làm thế nào để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác PB-TT-GDPL trong năm 2012?

- Đồng chí Phạm Văn A: Theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012, thì năm 2012 là năm cuối cùng tổng kết thực hiện quyết định này. Để bảo đảm phát huy hiệu quả công tác PB-TT-GDPL, cần phải tập trung, kiên trì và quyết liệt thực hiện các tiêu chí sau :

- PB-TT-GDPL phải thiết thực theo phương châm “Vì nhu cầu của người nghe, nhu cầu của cuộc sống”; cần phải tránh tình trạng PB-TT-GDPL theo ý muốn chủ quan của những báo cáo viên, tuyên truyền viên hoặc theo kế hoạch của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, mà kế hoạch này không được khảo sát nhu cầu thực tế.

- Chú trọng tính hiệu quả của công tác PB-TT-GDPL bằng những giải pháp cơ bản từ việc nghiên cứu, vận dụng, thực hiện phương pháp tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với mọi đối tượng và áp dụng phương pháp điều tra xã hội để đánh giá kết quả. Cần tránh các hình thức phô trương, tốn kém nhưng hiệu quả và tác dụng lại rất hạn chế.

- Phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương phải được xem là kim chỉ nam cho công tác PB-TT-GDPL. Pháp luật phải phục vụ cho cuộc sống với những nhiệm vụ chính trị đã được định hướng. Vì vậy, PB-TT-GDPL để bảo đảm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị tại địa phương chính là việc đưa pháp luật vào cuộc sống và góp phần làm cho pháp luật phù hợp với cuộc sống.

Với những tiêu chí như trên, hiệu quả công tác PB-TT-GDPL năm 2012 sẽ có những chuyển biến mới tích cực hơn, toàn diện hơn và sâu sắc hơn…

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.