Tín hiệu khả quan dễ nhận thấy nhất là CPI tháng 1/2012 tăng không cao, thậm chí có thể được coi là thấp. Nhận định đó là có cơ sở, bởi, trước hết chu kỳ tính giá tháng 1 kết thúc trước Tết Nguyên đán có 1 tuần và thực tế giá cả trong dịp sau đó không có những biến động lớn, nếu có sốt giá thì chỉ xảy ra có tính chất cục bộ (ở một nơi nào đó, ở một mặt hàng nào đó, ở một thời điểm nào đó). Giá của những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, như lương thực giảm, y tế, giáo dục tăng thấp. Giá USD chỉ tăng rất nhẹ (0,05%), sau 13 tháng chỉ tăng 2,29%, mức giá trên thị trường tự do còn thấp hơn cuối năm 2010.
Đây là tín hiệu khả quan để có thể thực hiện được chỉ tiêu tăng CPI trong cả năm của Quốc hội đề ra (dưới 10%).
Một tín hiệu khả quan khác là nhập siêu, nếu tháng 12/2011 đã ở mức thấp (270 triệu USD), thì tháng 1 năm nay giảm xuống còn ở mức thấp hơn (100 triệu USD). Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu chỉ còn ở mức trên 1,5%. Đạt được kết quả trên chủ yếu do xuất khẩu ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11,1%, thấp hơn tốc độ giảm của nhập khẩu (ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 18,7%). Nếu so với tỷ lệ giảm 30% về thời gian, thì tốc độ giảm về xuất khẩu, nhập khẩu như trên cũng ít hơn và có thể chấp nhận được.
Thêm nữa, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 chỉ giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số này của Thành phố Hồ Chí Minh- địa bàn chiếm tỷ trọng lớn nhất nước, chỉ giảm 0,7% và của Hà Nội – một địa bàn lớn khác chỉ giảm 1%.
Chỉ số chứng khoán cũng đáng chú ý. Sau nhiều phiên tăng trước và sau Tết Nguyên đán, chỉ số ngày 31/1/2012 so với ngày 31/12/2011 tăng 10,6%, HNX trên sàn Hà Nội tăng 3,0%. Đây là tín hiệu khả quan để chấm dứt chuỗi 2 năm giảm liên tục của chỉ số chứng khoán (VN-Index năm 2010 giảm 2%, năm 2011 giảm 27,5%).
Việc chỉ số chứng khoán tăng khá cao trong những ngày trước và sau Tết có thể một phần từ nguồn tiền thưởng được chi tiêu tiết kiệm, có một phần do chủ trương tái cơ cấu thị trường chứng khoán, do lòng tin vào các giải pháp bình ổn thị trường của Chính phủ…
Nhìn tổng quát, sau một cái Tết an lành và những thông tin kinh tế vĩ mô, vi mô khá tích cực nhưng chúng ta chưa thể chủ quan, thoả mãn, bởi tình hình còn có những hạn chế, bất cập và còn đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Vấn đề quan trọng là cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bởi trong điều kiện nền tài chính thế giới còn bất ổn, thì những nước đang phát triển, những nước mới nổi cần tập trung cho phát triển kinh tế thức để tăng cung, hạn chế mất cân đối cung – cầu, hạn chế tác động của bất ổn từ bên ngoài. Đó là bài học kinh nghiệm của không ít nước châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng.
Để đẩy mạnh sản xuất, một giải pháp quan trọng là tìm giải pháp hạ lãi suất cho vay nhằm “cứu sản xuất”. Hạ lãi suất nhưng không làm tăng tổng tín dụng nếu ưu tiến cấp vốn và lãi suất cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ngân hàng một mặt đẩy mạnh huy động vốn thu hồi nợ, tăng tính thanh khoản, tiết kiệm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp.
Một vấn đề quan trọng khác là tiết kiệm, giảm tình trạng chi tiêu lãng phí do còn rơi rớt quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, đồng thời thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguồn www.chinhphu.vn