Trước những bộn bề của cuộc sống thường nhật, đôi khi ta bỗng quên đi những đổi thay lớn lao của đất nước, sự đổi đời của dân tộc. Nhưng nếu bình tâm suy ngẫm thì chắc rằng, ai ai cũng phải thừa nhận sự thật hiển nhiên rất đáng tự hào là từ một nước thuộc địa, thậm chí không còn tên trên bản đồ thế giới lại bị chia cắt trong nhiều năm, ngày nay nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập, giang sơn liền một dải mà còn có vị trí xứng đáng, được nể trọng trong cộng đồng quốc tế. Trên mỗi chặng đường đi lên của đất nước ta, dân tộc ta trong gần bảy chục năm qua kể từ sau Cách mạng Tháng 8 tới nay đều có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và dẫn dắt. Chỉ cần nhớ lại đã thấy có tới 4 hội nghị quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới nước ta là Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào, Hội nghị Pa-ri về Việt Nam từ 1968 tới 1973, Hội nghị Pa-ri về Cam-pu-chia năm 1991 - đây là nét độc đáo hiếm thấy trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane - Ảnh tư liệu.
Sự đóng góp ấy có được là nhờ Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu ngoại giao trong từng thời kỳ, nhận định chuẩn xác tình hình, đề ra được đường lối thích hợp và tổ chức thực hiện sáng tạo.
Đường lối đối ngoại vốn là sự nối tiếp của đường lối đối nội mà nước ta trong mấy chục năm ròng luôn phải đối phó với nạn ngoại xâm nên mục tiêu nổi trội trên mặt trận ngoại giao là góp phần giành lại và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước. Đây cũng là mục tiêu chúng ta đã kiên trì đấu tranh, kể cả việc đưa vào các điều ước quốc tế như bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng như Định ước quốc tế năm 1973. Ngày nay tình hình đã khác hẳn trước, nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất song điều đó không có nghĩa rằng, độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ không còn bị xâm hại dưới hình thức này hay hình thức khác, do đó mục tiêu góp phần bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta.
Bên cạnh mục tiêu an ninh, từ sau khi nước nhà được hoàn toàn giải phóng và giang sơn thu về một mối, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, coi phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm thì trên mặt trận ngoại giao đã nổi lên mục tiêu tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để xây dựng đất nước.
Một mục tiêu khác nữa trên mặt trận ngoại giao là không ngừng nâng cao uy tín và vai trò của nước ta ở khu vực và trên thế giới. Mục tiêu này vừa là kết quả, vừa là nhân tố góp phần thực hiện thắng lợi hai mục tiêu trên.
Chúng ta có thể tự hào rằng, trên cả ba mục tiêu nói trên nước ta đã gặt hái được những thành tựu lớn lao: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đã giành lại được và về cơ bản được giữ vững; phần lớn các vấn đề biên giới lãnh thổ trên bộ và trên biển với các nước xung quanh đã được giải quyết; nước ta có quan hệ hợp tác với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả các cường quốc vốn thù nghịch với nước ta; thị trường không ngừng được mở rộng, vốn đầu tư nước ngoài ngày một gia tăng góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước; vị thế quốc tế của nước ta được nâng cao chưa từng có.
Để giành được những kết quả nói trên, điều đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là Đảng ta đã nhận định chính xác tình hình theo phương châm “biết mình, biết người và biết thời thế” làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn. Lần theo lịch sử gần bảy chục năm qua ta có thể bắt gặp rất nhiều minh chứng về điều này mà trong một bài báo ngắn khó bề đề cập đầy đủ.
Ở đây chỉ xin đưa ra một ví dụ điển hình mang tính khởi nguồn. Đó là Nghị quyết về “Nhiệm vụ ngoại giao” được thông qua tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945. Nghị quyết đã chỉ ra rằng, “Hiện nay, về chính sách ngoại giao chúng ta cần phải nhận định rõ hai điều này: a) Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh - Pháp và Mỹ - Trung Quốc về vấn đề Đông Dương là một điều chúng ta cần lợi dụng; b) Sự mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ - Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để cho Pháp trở lại Đông Dương”.
Trên cơ sở phân tích sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng như vậy, Đảng đã đề ra chiến lược, sách lược phù hợp nhằm khai thác mâu thuẫn giữa họ với nhau, “tránh không phải một mình đối phó với nhiều lực lượng cùng một lúc”, nhất là khi thế và lực của ta có hạn.
Yêu cầu đánh giá đúng tình hình quốc tế nhiều lần đã được đặt ra vào những thời điểm mang tính bước ngoặt như khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, khi đi vào đàm phán ở Pa-ri từ năm 1968 tới năm 1973 và vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị đổ vỡ, nước ta bị bao vây cô lập. Ngày nay, bài học về sự đánh giá một cách tỉnh táo, khoa học cục diện thế giới vẫn giữ nguyên giá trị khi tình hình quốc tế đang diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới nước ta.
Phù hợp với chuyển biến tình hình trong nước, ở khu vực và trên thế giới, Đảng ta đã hoạch định hoặc điều chỉnh đường lối, chính sách, chiến lược, sách lược ngoại giao phù hợp. Ngày nay nhìn lại nhiều khi tưởng rằng việc này là đương nhiên, đơn giản, song trên thực tế không dễ dàng chút nào vì không dễ gì nhận biết được sự chuyển biến của tình hình, thay đổi được tư duy, nhất là tư duy chiến lược; sự điều chỉnh thường phải trải qua cả một quá trình trăn trở, thậm chí đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Ví dụ, năm 1954, khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa II), Bác Hồ đã từng nhấn mạnh yêu cầu “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới… trước tình hình mới hiện nay, ta không thể giữ cương lĩnh cũ…” và Người đã phê phán nghiêm khắc cả hai khuynh hướng “tả” lẫn “hữu”. Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này khi nhớ lại cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước khi nước ta chuyển sang chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Bài học về tính linh hoạt trong chính sách, thích ứng với tình hình, nhiệm vụ mới tiếp tục mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Một khi mục tiêu đã được xác định, việc đánh giá tình hình đã chuẩn xác, đường lối, chủ trương đã rõ thì việc bố trí lực lượng hợp lý và thực hiện sáng tạo là nhân tố quyết định đối với sự thành bại. Ngay từ trong Nghị quyết Tân Trào tháng 8 năm 1945 nói trên đã chỉ rõ “dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định sự thắng lợi…” - một tư tưởng mà Bác Hồ đã thể hiện bằng một câu đơn giản: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Thực lực ở đây bao gồm cả sức mạnh vật chất (sức mạnh kinh tế, quân sự…) lẫn tinh thần (khối đoàn kết toàn dân tộc và cả chiều sâu văn hóa, đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt, vai trò và uy tín quốc tế của Nhà nước ta…). Nhân đây cũng xin lưu ý rằng, không nên hiểu sức mạnh vật chất một cách máy móc. Trong nhiều trường hợp “lực” có hạn, song nếu nắm bắt được chuẩn xác thời thế và thời cơ, kể cả những mâu thuẫn của thiên hạ và biết cách khôn khéo tận dụng chúng thì vẫn có thể làm nên sự nghiệp. Về mặt này lại nhớ tới hai câu thơ của Bác Hồ: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”!
Trong số các lực lượng bên ngoài, ngay từ trước Cách mạng Tháng 8, trong Nghị quyết Tân Trào tháng 8-1945 Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: “Đối với các nước nhược tiểu và dân chúng Pháp và Trung Quốc, chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của họ”. Nói theo ngôn từ hiện đại thì chúng ta luôn coi trọng “ngoại giao nhân dân”, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước đang phát triển và nhân dân các nước, kể cả những nước “có vấn đề” với nước ta. Đây cũng là một nét độc đáo nữa của ngoại giao Việt Nam vì nói cho cùng, sau lưng các nhà ngoại giao là nhân dân nước mình; chỉ có sự ủng hộ của toàn dân mới có thế để nói chuyện và trước mặt các nhà ngoại giao không chỉ có chính khách mà có cả nhân dân các nước đối tác hay đối tượng; có sự đồng tình của họ thì mọi việc mới suôn sẻ.
Còn đối với các quốc gia, ngay từ những ngày Nhà nước Việt Nam độc lập mới ra đời, tư tưởng đa dạng hóa quan hệ, muốn làm bạn với mọi nước, không gây thù oán với ai, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, vì hòa bình và phát triển đã được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta cũng như trong nhiều bài phát biểu của Bác Hồ. Trong tổng thể mối quan hệ quốc tế, ngay từ thời đó nước ta đã đặc biệt coi trọng sự hợp tác với các nước láng giềng có cùng biên giới, các nước ở Đông Nam Á và các nước lớn. Tiếc rằng, nhiều ý nguyện tốt đẹp đã không thể trở thành hiện thực không phải do lỗi của chúng ta. Chỉ trên hai thập kỷ qua những tư tưởng đầy thiện chí ấy mới nở hoa kết trái đầy đủ, trở thành hiện thực sinh động.
Còn về phương châm hành động của Đảng ta trên mặt trận ngoại giao thì có thể gói gọn vào mấy nội dung: Kiên định về chiến lược, cơ động linh hoạt về sách lược; kết hợp các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, về sau này bao gồm cả kinh tế, văn hóa và gần đây được bổ sung thêm lĩnh vực ngoại giao quân sự - an ninh, tạo thành nền ngoại giao toàn diện; kết hợp hoạt động đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp; quán triệt tinh thần tiến công đi đôi với sự mềm dẻo trong đối sách, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Trên đây chỉ là những cảm nghĩ đầu Xuân nhân ngày thành lập Đảng; còn đi sâu, đề cập một cách toàn diện mảng trọng yếu này trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta, kể cả những thành công lẫn những thiếu sót thì cần có những công trình lớn. Bất luận thế nào thì những bài học quý giá của quá khứ sẽ tiếp tục soi đường cho chúng ta giành những thành công mới trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn biển.
Nguồn www.chinhphu.vn