Phát huy truyền thống đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012

Cùng với 54 dân tộc trong cả nước nói chung, tỉnh ta có 27 dân tộc chung sống đoàn kết. Đây là truyền thống quý báu của tỉnh nói riêng. Điều cũng đáng ghi nhận là cùng với nhiều dân tộc, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào cũng hết sức đa dạng và phong phú.

(NTO) Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 37% dân số có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, đa phần là tín đồ của Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo và tín ngưỡng của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn… Số đông còn lại chủ yếu là thờ cúng Ông bà Tổ tiên. Toàn tỉnh hiện có trên 170 cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng của đồng bào như: Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, tháp, đền và các cơ sở miếu, đình, lăng… hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó có trên 400 chức sắc, nhà tu hành hoạt động chuyên nghiệp của các tôn giáo và gần 600 chức việc giúp cho các chức sắc tôn giáo và các vị phụ trách các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về các lễ nghi và các công việc về tôn giáo. Có thể nói, đây là kết quả của chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng mà tỉnh ta đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua với nội dung cốt lõi là đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần xã hội, đều hướng mục tiêu chung là xây dựng nước ta sớm trở thành một nước “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng
các vị chức sắc nhân lễ hội Ka-tê năm 2011. Ảnh: Văn Miên

Thực tế cho thấy, ngày nay các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa, xây dựng mới khang trang và đẹp hơn nhiều so với trước đây, việc đào tạo chức sắc của các tôn giáo được chính quyền luôn tạo nhiều thuận lợi. Vì vậy trong những năm qua chức sắc các tôn giáo, dân tộc ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng của đồng bào. Các ngày lễ trọng của các tôn giáo luôn được bảo đảm an toàn thu hút ngày càng đông đồng bào đến sinh hoạt tôn giáo tại các nơi thờ tự. Nhân dịp này lãnh đạo Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đều tổ chức đoàn đại biểu đến thăm các cơ sở thờ tự, chia vui cùng các vị chức sắc đại diện các tôn giáo như : Lễ Phật Đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh của Công giáo và Tin lành, Lễ vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài, Tháng chay Ramưvan của Hồi giáo chăm Bàni và Islam, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bàlamôn… Nhiều vị chức sắc tôn giáo cũng tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của địa phương như tham gia vào Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh; nhiều nơi còn thành lập các cơ sở hoạt động từ thiện nhằm chăm sóc, giúp đở những người bất hạnh trong xã hội. Các cơ sở giáo dục, nuôi giử trẻ luôn được sự tin tưởng của nhiều gia đình. Đặc biệt là trong những năm qua các vị chức sắc các tôn giáo và dân tộc cũng hết sức quan tâm chăm lo cuộc sống của nhân dân như động viên tín đồ tích cực tham gia lao động sản xuất, đóng góp xây dựng nhiều ngôi nhà tình thương giúp người nghèo, tích cực hưởng ứng những đợt quyên góp hoạt động từ thiện, cứu trợ giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai… Những việc làm đó của các vị chức sắc các tôn giáo trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc động viên đồng bào có đạo nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong tỉnh thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh ngày càng củng cố và tăng cường, đạo đời được gắn bó ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm và chúc mừng các vị chức sắc
nhân mùa Ramưvan - 2011. Ảnh: Văn Miên

Năm 2012 - năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII- đồng thời đây còn là năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã đề ra với mục tiêu chung là: vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát vừa tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2012: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14-15%, GDP bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, cùng với việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là tiếp tục phát huy có hiệu quả truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và sức mạnh của khối đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tỉnh nhà.