Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo các Đảng ủy, Thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Chỉ thị số 42-CT/TW ra đời đã khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội với các hội quần chúng; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; huy động được đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội các địa phương và đất nước.
Sau 13 năm thực hiện, Bộ Chính trị có chủ trương tổng kết Chỉ thị ở các cấp, các ngành. Việc tổng kết Chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc từ cơ sở, là dịp để các cấp ủy đảng đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo của mình đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng.
Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị trong thời gian qua, trong đó có việc nhận định, đánh giá về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng từ khi có Chỉ thị số 42-CT/TW đến nay; vai trò quản lý của các cấp chính quyền trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, chỉ đạo, khuyến khích các hoạt động của các hội quần chúng; công tác phối hợp của các cơ quan, ban, ngành đối với các hội quần chúng; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ hội; mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đoàn thể chính trị- xã hội với các hội quần chúng…
Đồng chí Lê Hồng Anh cũng đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng trong thời gian tới; những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương …
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW do đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trình bày trước Hội nghị nêu rõ: Chỉ thị 42-CT/TW ra đời đáp ứng nhu cầu lập hội của nhân dân. Qua 13 năm thực hiện Chỉ thị, nhận thức và chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với các hội quần chúng có chuyển biến tích cực, quản lý Nhà nước được tăng cường, sự phối hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội với các hội quần chúng có bước phát triển; các hội quần chúng tăng nhanh về số lượng, đa dạng dưới nhiều hình thức. Phần lớn các hội ra đời xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng, hoạt động đúng pháp luật, điều lệ, tôn chỉ, mục đích; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên; hoạt động của hội quần chúng đã từng bước gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; công tác xã hội hoá các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện được đẩy mạnh, khẳng định được vai trò, trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần tạo sự đồng thuận, ổn định chính trị- xã hội, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Hiện nay, cả nước có 437 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3.511 hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện (so với năm 1986, cả nước chỉ có gần 30 hội, năm 1990 có khoảng 100 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 300 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố). Ở Trung ương, hiện có 25 hội được Nhà nước giao biên chế, gồm các hội được công nhận là tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp và một số hội được giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước (hội có tính chất đặc thù) với 649 biên chế. Ở địa phương, có 861 hội được UBND tỉnh, thành phố giao biên chế và kinh phí hoạt động với 4.792 biên chế.
Tuy nhiên, chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng vẫn còn nhiều hạn chế: Xu hướng hành chính hoá còn khá phổ biến trong hoạt động của hội. Một số hội hoạt động còn hình thức, chưa gắn hoạt động của hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước; vai trò, vị thế, uy tín còn hạn chế; nội dung, phương thức hoạt động chậm được đổi mới; khả năng thuyết phục còn thấp, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của tổ chức hội và hội viên; thiếu gắn kết và phối hợp với các ngành, đoàn thể các cấp ...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả sau 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; đóng góp vào dự thảo báo cáo và kiến nghị với Trung ương nhiều vấn đề có liên quan để trong thời gian tới, việc tổ chức và thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đạt hiệu quả cao hơn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam