Ngoài ra theo đánh giá, tổ chức phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên sẽ từng bước nâng cao đội ngũ giảng viên, cán bộ trong trường, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ và giải quyết các vấn đề thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
GS. TSKH Nguyễn Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐH QGHN) cho biết, từ năm 2004 Trường ĐH KHTN các đề tài NCKH từ cấp ĐHQG trở lên phải gắn với đào tạo đại học và sau đại học, sản phẩm của đề tài phải có kết quả cụ thể về bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ mà trực tiếp là những nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.
Nhiều nhà giáo nhận định, cần tạo điều kiện cho SV tiến hành nghiên cứu khoa học
càng sớm càng tốt, tạo nền tảng mở rộng kiến thức thực hành.
Hiện tại, theo ông Lương mỗi năm Trường ĐH KHTN thú hút được 500 sinh viên tham gia NCKH. Theo quan điểm của GS Lương, muốn công tác NCKH của sinh viên được chất lượng hơn cần hội tụ từ ba yếu tố, đó là nhà trường, thầy cô và sinh viên. “Đối với nhà trường cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện…Thứ nữa cần tổ chức tốt cơ sở học liệu để giúp người dạy và người học có điều kiện lấy thông tin” GS Lương nói.
Vẫn theo GS Lương, thành công hay thất bại ở NCKH trong sinh viên có sự đóng góp rất lớn từ người thầy, điều đầu tiên là định hướng đề tài cho sinh viên (được coi là khâu quan trọng), đề tài đó phải kết hợp được giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn. “Đối với sinh viên Trường ĐH KHTN sẽ gắn đề tài nghiên cứu của sinh viên với hướng nghiên cứu lớn, dài hơi của thầy. Như vậy sinh viên vừa được trực tiếp thực hành những thí nghiệm, được thu thập, xử lí số liệu từ những chuyến thực địa để có những kết quả riêng của mình” GS Lương chia sẻ.
Theo PGS, TS Lê Đình Trung (Phòng Khoa học công nghệ, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng NCKH trong sinh viên là cần phải nâng cao tiêu chí tuyển sinh vào trường: “Chất lượng của sinh viên trúng tuyển vào trường cao sẽ góp phần làm cho hoạt động NCKH của sinh viên được duy trì, phát triển sâu, rộng và có được kết quả tốt” PGS Trung cho biết.
Ảnh minh họa
Ở mặt khác, GS, TS Tô Xuân Dân, nguyên Viện Trưởng Viện phát triển Kinh tế Xã hội, hiện đang công tác tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (KD&CN HN) thì cần tạo điều kiện để phong trào NCKH trong sinh viên được thực hiện ngay từ năm thứ nhất, điều này ở Trường ĐH KD&CN đang thực hiện khá đều.
Là ngôi trường tư thục, không có nguồn kinh phí Nhà nước, theo PGS Dân hằng năm trường chi 2% kinh phí cho hoạt động NCKH: “Trường tuyên bố sứ mạng là đào tạo các nhà kinh tế và kỹ thuật – công nghệ thực hành, lấy đào tạo nghề nghiệp làm định hướng chủ yếu, trau dồi kiến thức đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy sáng tạo và kết hợp lí luận với thực tiễn. Để sinh viên có năng lực điều tra, phân tích hoạt động của doanh nghiệp, trường đã quy định 100% sinh viên phải viết luận văn tốt nghiệp” GS, TS Dân chia sẻ về kinh nghiệm của trường mình.
Từ những thực tiễn trên, trong hai tháng 8 và 9/2007, Trường ĐH KD&CN đã khảo sát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm với 500 người. Theo đó, con số khá ấn tượng: 10% có việc làm ngay khi sinh viên còn đang học những năm cuối, 80% có việc làm trong năm đầu tiên sau khi ra trường, trong đó trên 50% có việc làm đúng ngành nghề đào tạo.
Muốn khẳng định được tầm quan trọng của hoạt động NCKH trong sinh viên, theo GS, TS Tô Xuân Dân thì mỗi trường cần xác định và nhấn mạnh tới tính thực tiễn vai trò của hoạt động NCKH, làm được điều đó là khâu quyết định đối với chất lượng đào tạo của các trường đại học. “Hơn nưa, Bộ Giáo dục cần tạo ra những “sân chơi” rộng hơn và bình đẳng hơn cho sinh viên các trường, trước hết là sinh viên các trường ngoài công lập, như hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, các hình thức trao đổi và các cuộc thi phong phú, đa dạng hơn” GS, TS Dân nhấn mạnh.
Đóng góp những định hướng trong NCKH của sinh viên sắp tới, PGS, TS Lê Đình Trung (Phòng Khoa học công nghệ, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết, phong trào NCKH của sinh viên cần đẩy mạnh từ năm thứ 2, tập trung vào lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Các nghiên cứu giáo dục trong hoạt động này cần bám sát thực tiễn dạy học ở phổ thông để sinh viên ra trường đáp ứng được ngay với môi trường dạy học.
Nguồn Giaoduc.net.vn