Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2011 Bộ đã làm khá tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức thi tuyển, đánh giá, chuyển quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet. Xây dựng Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet về thông tin điện tử trên Internet.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho một số đơn vị
thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Chinhphu.vn
Triển khai thực hiện quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trong nước và kinh nghiệm số hóa truyền hình mặt đất của các nước trên thế giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai quyết liệt trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện chương trình, đề án lớn đã được phê duyệt như: Đề án đưa Việt nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ đầu tiên trong các bộ, ngành hoàn thành kế hoạch chuyển đổi tiêu chuẩn ngành sang quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam giai đoạn 2008 đến 2011 đúng thời hạn quy định của Chính phủ.
Năm 2011 là năm được xem là năm thành công trong việc quản lý các lĩnh vực lớn như: kế hoạch tài chính, xây dựng cơ bản, báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện. Bức tranh về CNTT, phát triển thông tin, truyền thông được coi là mũi nhọn, tạo ra những đột phá quan trọng để ngành phát triển bền vững. Theo đó, hạ tầng mạng lưới viễn thông tiếp tục được đầu tư, hệ thống cáp quang và trạm thu phát sóng thông tin di động. Tính đến hết năm 2011, tổng băng thông truyền dẫn quốc tế lên tới 487,2 Gb/s với các tuyến cáp quang biển, đất liền sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến. Tổng lưu lượng trao đổi quan trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia từ năm 8/11/2003 đến 31/10/2011 đạt 99.002.042 Gbytes...
Sau 3 năm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 3G, tổng số trạm BTS Node B 3G do các DN triển khai đã cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu đã cam kết với 33.700 trạm BTS, vùng phủ sóng 3 G theo dân số và vùng lãnh thổ đạt 91,5% với 12,8 triệu thuê bao 3G.
Tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn mạng hiện nay là 130,5 triệu, trong đó di động chiếm 90,4%. Toàn quốc có trên 31 triệu người sử dụng internet, đạt mật độ 35%. Tổng số thuê bao internet băng rộng là 9 triệu, đạt mật độ 10,2%. Lũy kế doanh thu xuất khẩu về các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện ước đạt 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn cho rằng còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý tin nhắn rác, việc quản lý các thuê bao quá hạn sử dụng, khuyến mại trái quy định, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Một số cơ quan báo chí và nhà xuất bản còn vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản gây bức xúc trong dư luận.
Đánh giá cao những thành tựu của ngành đạt được trong năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng hợp lý với sự đóng góp lớn của 2 doanh nghiệp VNPT và Viettel với lợi nhuận đạt 1 tỷ USD.
Về công tác quản lý báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đã có nhiều đổi mới, tiến bộ trong các cơ quan báo chí lớn của Trung ương và địa phương với nhiều thông tin kịp thời, có chất lượng, góp phần định hướng xã hội trước nhiều sự kiện lớn của Việt Nam cũng như thế giới. Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý báo chí, trong đó cần làm tốt hơn nữa những buổi giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước giữa các địa phương.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình an toàn thông tin số, tội phạm công nghệ cao trong và ngoài nước diễn ra với tần suất ngày càng cao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực để sớm triển khai xây dựng, đào tạo đội ngũ chuyên trách về an ninh mạng có trình độ quốc tế để hoạt động ở phạm vi quốc gia.
Nguồn www.chinhphu.vn