Những tấm gương đó minh chứng cho sức mạnh và ý chí của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Quay ngược thời gian để thấy được những mốc son tự hào về các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam.
Để đáp ứng một phần cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chiến đấu chất lượng cao, từ những năm 1946-1948 các trường Thiếu sinh quân đã được thành lập ở miền Đông và Tây Nam bộ, Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3, Khu 10, Liên khu Việt Bắc…
Từ thực tiễn đó, ngày 10 tháng 11 năm 1948, với sự chỉ đạo của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 425/TCH của Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam về việc thành lập Trường Thiếu sinh quân thống nhất trong toàn quân.
Từ những bước khởi đầu, tháng 5/1949 trường Thiếu sinh quân đầu tiên của Việt Nam được thành lập, là trường có quy mô lớn nhất, sau này Bác Hồ quý mến đặt tên trường là “Dục tài học liệu” (Trường giáo dục đào tạo những nhân tài cho đất nước).
Một lớp Thiếu sinh quân thời bình. Ảnh tư liệu.
Do yêu cầu mới của tình hình và nhiệm vụ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngày 15/10/1965 trường được mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Trải qua những thăng trầm của thời gian, trường Thiếu sinh quân Việt Nam đến nay với hai loại hình đào tạo: Tại TP HCM theo sáng kiến của lãnh đạo thành phố và thành lập các đơn vị Thiếu sinh quân cấp Tiểu đoàn, cấp Đại đội ở các trường Văn háo của Quân khu II, IV và IX.
Nếu so với yêu cầu của Bộ Quốc phòng thì trường Thiếu sinh quân được thành lập với mục tiêu: “Để sau này khi đã đủ tuổi làm cán bộ sơ cấp về quân sự, văn hóa, chính trị cho quân đội quốc gia”, nhưng thực tế đã vượt rất xa yêu cầu đó.
Thiếu sinh quân không chỉ là cán bộ sơ cấp mà rất nhiều người đã trở thành cán bộ trung, cao cấp phục vụ cho quân đội mà còn trên tất cả các lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể.
Họ là những nhà giáo, các văn nghệ sỹ, các nhà khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, các Nghệ sỹ nhân dân, ưu tú, Nhà giáo nhân dân, ưu tú.
Thiếu sinh quân Việt Nam một thời tự hào, đã có nhiều người tham gia Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng…
Nhiều Thiếu sinh quân đã trở thành các chuyên viên cao cấp trong các ngành: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở các nước, nhiều tướng lĩnh và cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang.
Lớp Thiếu sinh quân trong kháng chiến vinh dự được Bác Hồ tới thăm. Ảnh tư liệu.
Theo Nhà giáo ưu tú Vũ Mạnh Kha, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: “Hầu hết các thế hệ Thiếu sinh quân đã trưởng thành và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước. Có những người là học viên Thiếu sinh quân trước kia nay trở về chỉ là giáp viên cấp 1 bình thường ở miền núi xa xôi, song hàng năm vẫn vui vẻ về gặp bạn, nhớ mái trường xưa, giúp nhau tận tình. Chúng tôi vẫn thường tự hào, Thiếu sinh quân có người thành danh hay không, tuyệt đại đa số chúng tôi vẫn mang trong mình một cái mà gọi là “Chất Thiếu sinh quân”, có lòng yêu nước, trung thành với Đảng, với lý tưởng, với chế độ, kiên cường, ngẩng cao đầu mà sống”.
Đồng chí Vũ Mão, tham gia lớp Thiếu sinh quân trong cách mạng, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tự hào cho biết: Thiếu sinh quân ngày đó coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, mơ ước trở thành anh vệ quốc xông pha ra chiến trường đánh Tây. Môi trường Thiếu sinh quân cực kỳ gian khổ, kỷ luật nghiêm khắc so với lứa tuổi “Vệ út” nhưng luôn hướng tới đoàn kết nhất trí. Cái chất của Thiếu sinh quân là; cần cù, dũng cảm, yêu thương, trung thực, thông minh, tài hoa, trong sáng.
Có thể nói, trường Thiếu sinh quân đã ghi đậm một dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, là một trong những cái lò tôi luyện nên những lớp người mới có chất thép, vừa có đức vừa có tài.
Để ôn lại một thời “Khúc ca trường tồn” đó, ngày 4/1/2012 tại Bảo Tàng HCM sẽ có cuộc gặp mặt các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam, buổi gặp mặt sẽ vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự.
Nguồn Giaoduc.net.vn