Cách đây hơn 10 năm, nhắc đến viễn thông là người tiêu dùng thường phàn nàn về tình trạng độc quyền, giá cước cao và dịch vụ kém. Việc gọi điện thoại đường dài trong nước hay quốc tế là một thứ dịch vụ rất xa xỉ mà người dân chỉ bất đắc dĩ mới phải dùng. Với điện thoại di động, người sử dụng chỉ là chủ yếu là đại gia ở thành phố hoặc những VIP. Ngày đó, người ta thường kháo nhau, nếu “nhịn” gọi cho người thân ở tỉnh xa hoặc nước ngoài một phút là bằng tiền ăn của cả một gia đình nông thôn trong một ngày.
Dịch vụ thông tin di động từ chỗ chỉ dành cho người giàu giờ đã được bình dân hoá cho mọi người. Ảnh: QUỲNH ANH
Chưa hết, cước viễn thông cao còn cản trở việc giao thương về thông tin trong nước và giữa Việt Nam với thế giới. Vì thế, ngành viễn thông thay vì trở thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế lại trở thành một rào cản để phát triển.
Thế nhưng, từ năm 2.000, khi Viettel gia nhập làng viễn thông Việt, tình hình bắt đầu có sự thay đổi. Bắt đầu với dịch vụ gọi VOiP 178, cước điện thoại đường dài trong nước và quốc tế chỉ bằng 55-60% điện thoại truyền thống. Tiếp đó, công ty này còn tấn công thị trường với dịch vụ thông tin di động năm 2004 và tạo ra một cuộc cách mạng thực sự về viễn thông.
Trước đó, cước điện thoại cố định và di động cần phải có sức ép từ các cơ quan thẩm quyền mới giảm giá. Kể từ khi có Viettel, các hãng thông tin di động như MobiFone, VinaPhone liên tục đòi giảm giá trước thời hạn bởi mạng mới ra đời (Viettel) luôn đi tiên phong hạ giá rất mạnh cho người tiêu dùng. Dịch vụ thông tin di động từ chỗ chỉ dành cho người giàu giờ đã được bình dân hoá cho mọi người, cả công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên… đều có thể dùng được với giá chỉ bằng 20% so với trước đây.
Nếu như tổng số lượng thuê bao điện thoại trước năm 2000 chỉ khoảng 1 triệu, thì hiện đã lên tới 132 triệu (số liệu của Tổng cục Thống kê) – điều rất ít người hình dung trước khi Viettel gia nhập làng viễn thông Việt Nam.
Nếu như trước đây, các chuyên gia kinh tế đánh giá khả năng cạnh tranh của viễn thông Việt Nam ở mức rất thấp, lạc hậu thì giờ họ đã phải thay đổi hoàn toàn. Ngoài việc tạo ra sự phát triển thần kỳ cho ngành viễn thông trong nước, Tập đoàn Viettel mà nòng cốt về nhân sự là Viettel Telecom, đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài và đạt được những thành quả cũng bất ngờ không kém. Tại Campuchia, Viettel với mạng Metfone đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 tại quốc gia này. Kế đến mạng Unitel của Viettel tại Lào cũng vừa vươn lên vị trí số 1 trong năm 2011. Đây là điều mà chưa một công ty viễn thông nào trên thế giới từng thực hiện được.
Kế đó, Viettel còn tạo ra một hiện tượng về đầu tư tại Haiti – quốc gia mới xảy ra thảm hoạ động đất làm hơn 500.000 người chết, cơ sở hạ tầng bị phá huỷ hoàn toàn. Chỉ sau hơn một năm đầu tư, Natcom – liên doanh của Viettel với nước sở tại, đã chính thức khai trương dịch vụ với hạ tầng viễn thông lớn nhất Haiti, tạo nên một chuyện cổ tích về xây dựng mạng viễn thông trên thế giới. Trước đó, rất ít chuyên gia viễn thông của thế giới tin rằng Viettel có ý định đầu tư nghiêm túc ở Haiti, chứ chưa nói đến việc xây dựng và khai trương dịch vụ trong một thời gian kỷ lục như vậy. Tại Haiti, trước khi Natcom hoạt động, số lượng cáp quang của các hãng viễn thông khác chỉ bằng 1/20 lượng Viettel xây dựng trong gần 1 năm.
Hiện tại, bức tranh viễn thông của Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác. Thay vì là một rào cản, viễn thông Việt Nam đã trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài việc trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến với tất cả mọi người, viễn thông Việt Nam nói chung đã đem lại cơ hội số cho nhiều người dân nghèo ở các vùng sâu vùng xa. Trong số các công ty có những đóng góp vào thành tựu này, Viettel Telecom – đơn vị chủ lực của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, có những đóng góp không nhỏ. Cũng nhờ vậy, ngày 22/12/2011 vừa qua, đơn vị này đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động.
Tiến tới phổ cập việc sử dụng dịch vụ Internet tại Việt NamÔng Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, mục tiêu trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp về vùng phủ và chất lượng mạng 3G để người dùng cảm nhận được chất lượng mạng 3G như 2G và từng bước tiến tới phổ cập việc sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam – tương tự như việc phổ cập dịch vụ di động trong những năm qua. Viettel sẽ từng bước chuyển hướng sang việc phát triển kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng và nội dung thông tin trên cơ sở người Viettel tự nghiên cứu và xây dựng các nền tảng có thể kết nối và cung cấp mọi ứng dụng, dịch vụ trên thiết bị của khách hàng đang sử dụng như điện thoại di động, máy tính bảng, ti vi,…
"Chúng tôi sẽ xây dựng các khái niệm mới về cung cấp dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và công nghệ thông tin cho mọi đối tượng khách hàng, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và hộ gia đình; đưa các ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra nhiều tiện ích cho khách hàng, như: không phải đầu tư, không người quản lý, không chi phí vận hành và Viettel sẽ cung cấp giải pháp đồng bộ với phí dịch vụ hợp lý nhất", ông Hoàng Sơn nhấn mạnh.
Nguồn ICTnews