KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LLVT HUYỆN BÁC ÁI (24/12/1946 – 24/12/2011)

Lực lượng vũ trang Bác Ái: Xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận có chủ trương xây dựng Bác Ái thành căn cứ địa vững chắc để chiến đấu với thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

(NTO) Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, ngày 22-12-1946 đồng chí Nguyễn Thế Lâm cử 1 đại đội của Trung đoàn 81 do đồng chí Mai Văn Tấn làm Đại đội trưởng lên Núi Xanh, Đá Nhọn (Phước Trung) tìm địa thế để thành lập chiến khu. Ngày 24-12-1946, đơn vị đến địa điểm tập kết và bắt tay xây dựng Chiến khu 22 (CK22). Dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội địa phương với dân quân, du kích và bộ đội chủ lực của tỉnh, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, từ chỗ chỉ làm tiêu hao sinh lực, tiến lên đánh bại nhiều đợt càn quét, khủng bố gắt gao của địch, giữ vững căn cứ chiến đấu bảo vệ an toàn đường mòn Hồ Chí Minh, con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, xây dựng nên chiến khu cách mạng “căn cứ thép” ở cực Nam Trung Bộ.

Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bác Ái đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, từng bước xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Với tinh thần toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh giặc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, Bác Ái đã là một trong những huyện đầu tiên ở vùng cực Nam Trung Bộ được giải phóng (30-8-1960). Với ý chí “quyết đánh, quyết thắng” quân xâm lược, “một tấc không đi, một ly không rời”, LLVT huyện Bác Ái đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo phá tan nhiều cuộc hành quân càn quét, dồn dân lập ấp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giữ vững chiến khu, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc; góp phần cùng quân và dân trong tỉnh chiến đấu anh dũng, giải phóng quê hương Ninh Thuận.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bác Ái luôn là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và Quân khu 6; là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng đã đi vào lịch sử. Tên tuổi và những chiến công của các anh hùng như: Anh hùng Pi-năng Tắc; Chamaléa Châu; Pi-năng Thạnh; Đặng Quang Cầm đã trở thành huyền thoại. Các trận đánh đồn Tà Lú, Ma Ty, bẫy đá Đèo Gia Túc (Phước Bình) … là những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, LLVT huyện nhà luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách cùng nhân dân các dân tộc trong huyện đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên CNXH.

Với những thành tích xuất sắc, LLVT huyện Bác Ái được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho ý chí bất khuất, tinh thần “tự lực, tự cường”, tinh thần cách mạng triệt để, quân và dân chiến khu Bác Ái đã viết nên trang sử hào hùng, những bản “anh hùng ca Raglai” của vùng đất kiên trung này.

Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là sau ngày tái lập (tháng 1-2001), LLVT huyện tập trung xây dựng, huấn luyện và tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện phấn đấu thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần giữ vững ổn định chính trị, ngăn ngừa các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tích cực phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý có hiệu quả các vụ việc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng.

Hơn 10 năm tái lập, mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội địa phương chậm phát triển, đời sống nhân dân và LLVT còn gặp nhiều khó khăn, vật chất, phương tiện, kinh phí bảo đảm hạn chế… nhưng bằng nỗ lực vượt khó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đùm bọc của nhân dân, LLVT huyện từng bước được củng cố, chất lượng tổng hợp từng bước được nâng lên; lực lượng DQTV được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, luôn sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở; Ban CHQS xã từng bước được củng cố, cán bộ xã đội trưởng được đào tạo cơ bản. Lực lượng DBĐV được xây dựng, quản lý chặt chẽ, chất lượng huấn luyện được nâng lên, khả năng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo độ tin cậy về chính trị. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong LLVT huyện đã quán triệt, triển khai và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tự hào về truyền thống 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nhận rõ những thuận lợi, khó khăn thách thức ở phía trước, LLVT huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, vận dụng sáng tạo; nắm vững chức năng, nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng LLVT huyện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác QS-QP, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong khu vực phòng thủ huyện vững chắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên địa bàn; xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện.