Đổi mới giáo dục: Phải coi học sinh là đối tượng cần phục vụ

Theo nhiều chuyên gia, các nhà sư phạm nếu chỉ đổi mới căn bản nền giáo dục mà không đổi mới phương pháp dạy và học là thiếu sót đáng kể.

Trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nêu rõ: “Đổi mới căn bản nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo…”.

Đổi mới từ từ nội dung giáo dục

Theo TS Sông Thu Bùi Văn Bảy, Viện trưởng Viện khoa học quản trị Phương Nam (TP HCM), trước hết hiểu đổi mới nền giáo dục là phải kể đến kết cấu nền giáo dục đó, nền giáo dục là một tích hợp chặt chẽ giữa hệ thống giáo dục quốc dân, ngân sách giáo dục, cơ chế quản lí giáo dục, cán bộ, giáo viên, giảng viên, mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, chương trình giáo dục, các bậc học, cấp học, sử dụng nguồn nhân lực ra sao…đó một trong những trọng tâm then chốt nhất, khởi đầu đổi mới nền giáo dục là đổi mới nội dung giáo dục, chương trình giáo dục.

Đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường thảo luận nhóm giúp học sinh, sinh viên
nâng cao tính tương tác giữa các thành viên, tăng cường động cơ học tập. Ảnh minh họa Internet

TS Bảy đánh giá, xây dựng được nội dung giáo dục, chương trình giáo dục hiện đại thì mới tạo được cơ sở cốt lõi cho một nền giáo dục tiên tiến. “Bởi vì một nền giáo dục tiên tiến là một nền giáo dục phù hợp với thời đại, phù hợp với những thành tựu cao nhất của nhân loại về đa lĩnh vực văn hóa, đa dạng khoa học kỹ thuật” TS Bảy nói.

Vị TS này cũng đề cao nội dung giáo dục hiện đại là chương trình phải phải tương ứng với nội dung giáo dục, và được lấy từ đâu ra để xây dựng nền giáo dục tiên tiến. Theo TS Bảy thì, nội dung giáo dục phải được dựa trên cơ sở của kiến thức giáo dục. Kiến thức giáo dục lại được nghiên cứu, chọn lọc từ kiến thức xã hội, kiến thức xã hội tồn tại trong mỗi nước và trên thế giới. “Muốn có nền giáo dục tiên tiến thì phải chọn lọc những kiến thức xã hội tiên tiến. Đối với kiến thức khoa học xã hội và nhân văn phải chọn lọc từ bản sắc và chọn lọc bổ sung tinh hoa văn hóa hiện đại, không phân biệt đất nước hay chủng tộc nào” TS Bảy nhấn mạnh.

Một vấn đề khác liên quan trong đổi mới nội dung giáo dục là phương pháp giảng dạy của giáo viên, trong đó có những nguyên tắc nhất định để đảm bảo người học lĩnh hội tốt nhất kiến thức từ thầy.

Ths Phạm Thị Thúy, giảng viên huấn luyện phương pháp sư phạm (Học viện Hành chính) cho biết, những gì dạy trên lớp phải gắn với cuộc sống bên ngoài, ở quá khứ, hiện tại và tương lai của người học. Với người lớn tuổi, nếu không liên quan tới công việc đang làm, họ sẽ không muốn học. Họ chỉ có thể hiểu lý thuyết qua ví dụ thực tế.

Theo Ths Thúy thì trong phương pháp giảng dạy cũng cần có những nguyên tắc nhất định như: liên kết thực tế, tạo không khí tích cực trong giờ giảng, trực quan hóa bài giảng (bằng hình ảnh), khuyến khích người học tự làm, chốt lại nội dung bài giảng…

Đồng ý với quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Thúy Hường (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Nha Trang) cũng nêu rõ, dạy học luôn luôn bao gồm hai hoạt động song song tồn tại đó là phương pháp dạy của giáo viên và hoạt động của sinh viên. Quá trình dạy học chỉ đạt kết quả khi cả hai hoạt động này đều đạt kết quả, nhất là phương pháp thảo luận nhóm của sinh viên. “Thảo luận nhóm sẽ nâng cao tính tương tác giữa các thành viên, tăng cường động cơ học tập, làm nảy sinh những hứng thú mới, kích thích sự giao tiếp, chia sẻ tư tưởng và có tinh thần trách nhiệm cao” TS Hường cho biết.

Xác định đúng động cơ dạy và học

Theo TS Trần Thị Thìn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý giáo dục (Trường CĐ Sư phạm Nghệ An) thì mỗi người dạy và người học phải xác định đúng động cơ của mình là gì. Đối với hoạt động học tập, trong đó động cơ học tập là thành tố quan trọng bậc nhất có chức năng định hướng, thúc đẩy sinh viên tích cực học tập. Trước hết mỗi người học cần hình thành nhu cầu, hứng thú, mục đích học tập là hình thành động cơ bên trong gắn trực tiếp với quá trình học tập, nhất là với nội dung.

Thay bỏ cách dạy đọc -chép vốn đã tồn tại lâu nay ở các trường.
Tiến tới cách học phát hiện và giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa Internet

TS Trần Thị Thìn cũng thẳng thắn khi cho rằng, ở đa số sinh viên một số động cơ liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, học nghề nhất là động cơ nghề nghiệp, lĩnh hội phương pháp học, động cơ cảm xúc còn yếu. Đối với sinh viên sư pham, động cơ học nghề sư phạm được nhận thức mạnh nhưng độ hiệu lực thấp. Sinh viên coi học nghề để hiểu biết là chưa đủ mà cần chính là cách nghĩ học nghề dạy học. “Giáo dục cần tác động làm phát triển động cơ học tập cho sinh viên thông qua đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học, phương pháp rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra rồi đánh giá kết quả học tập” TS Thìn cho biết.

Nói về phương pháp truyền đạt hiện nay của người thầy, TS Thìn thẳng thắn cho rằng, nội dung học tập mà các em nhận được từ bải giảng của giáo viên, từ giáo trình, tài liệu học tập nếu nằm ngoài nhu cầu của sinh viên đều không có ý nghĩa, không có tác động và không thể gây nên hứng thú trong hoạt động học tập được.

Theo TS Thìn, ở lứa tuổi sinh viên nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, nhu cầu xác định ý nghĩa cá nhân của các nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống, ý nghĩa của nghề nghiệp cần được đáp ứng bằng tri thức có giá trị sống.

Với nhận định coi trọng phương pháp dạy học để đổi mới căn bản nền giáo dục, PGS, TS Phạm Minh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh (Nghệ An) cho biết, nét đặc trưng của phương pháp dạy học mới là phát huy tính tích cực nhận thức của sinh viên, coi sinh viên là nhân vật trung tâm của quá trình đào tạo. “Chúng ta phải phá vỡ cách dạy vốn đã tồn tại rất lâu đời trong nhà trường, đó là dựa vào lối truyền thụ một chiều, nhồi nhét kiến thức để tiến tới cách dạy phát hiện và giải quyết vấn đề” PGS, TS Hùng nói.

Nguồn Giaoduc.net.vn