Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa XI và Quốc hội khóa XIII đã nhất trí cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trên ba lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: Tái cấu trúc đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác, tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Đồng chí Thuận Hữu,Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết, buổi tọa đàm nhằm góp phần giúp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ xây dựng chính sách để cơ cấu lại nền kinh tế.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm.
Tái cấu trúc DNNN là khó khăn nhất
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. DNNN sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo một đồng doanh thu năm 2009, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần sử dụng 1,2 đồng vốn và DN FDI là 1,3 đồng vốn (mức trung bình của DN Việt Nam là 1,5 đồng vốn). Trong 10 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn của khu vực DNNN chưa năm nào quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì mức trên dưới 10%. Bộ trưởng cũng cho biết thực trạng tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính. Vai trò điều tiết vĩ mô còn hạn chế, chưa bắt kịp xu hướng của kinh tế thị trường, năng lực hiệu quả quản trị DN còn yếu kém, bất cập.
Theo ông Vương Đình Huệ, sự yếu kém là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới, hạn chế trong lựa chọn mô hình phát triển của doanh nghiệp. Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới gây khó khăn cho hệ thống DNNN. Ông Huệ cũng chỉ ra rằng, mô hình DNNN đã quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, chưa chú trọng chiều sâu nên hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh thấp. Chiến lược phát triển kinh doanh hạn chế. Nhiều DNNN đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay hoặc chiếm dụng, tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực cạnh tranh và phát triển. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa theo kịp thực tiễn. Sự phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý, giám sát còn hạn chế….
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực DNNN được xác định là khó khăn nhất. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, hệ thống tài chính quốc gia chưa đủ mạnh để hỗ trợ có hiệu quả cho việc cơ cấu lại DNNN. Nhận thức đầy đủ và thống nhất của cả hệ thống chính trị cũng không dễ dàng. Việc giải quyết, sắp xếp lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ. “Kinh phí cho tái cấu trúc cũng có thể phát sinh lớn, ước hàng chục tỷ đồng sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không được xử lý tốt”, ông Huệ nói.
Tuy nhiên, tái cấu trúc cũng có những thuận lợi là sự quyết tâm chính trị. Đó là Hội nghị Trung ương lần thứ ba đã xác định ba hướng là Tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại tái cấu trúc DNNN. Ông Huệ nói: “Chúng ta cũng đã có các công cụ thực hiện như thị trường chứng khoán, công ty mua bán nợ, hình thành quỹ hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp”. Và cuối cùng Bộ trưởng Tài chính bày tỏ niềm tin “với trí tuệ Việt Nam, việc càng khó chúng ta càng làm tốt”.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đưa ra các gói giải pháp trong Đề án tái cấu trúc DNNN do Bộ Tài chính chủ trì. Đó là sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo ngành nghề, sắp xếp các DNNN theo nhóm và đưa ra các giải pháp cho từng nhóm. Chẳng hạn nhóm 100% vốn Nhà nước, nhóm hơn 75% vốn Nhà nước, nhóm từ 65%-75% và nhóm Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Hai là, Thực hiện nhất quán, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Ba là, Tổ chức, sắp xếp và tái cấu trúc từng DNNN, đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị DN. Bốn là, Đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN. Năm là, Tổ chức, sắp xếp và tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm nghiệp, nông lam trường quốc doanh.
Ba giải pháp tái cấu trúc đầu tư công
Tham luận về tái cấu trúc đầu tư công, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia ra ba giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó giải pháp ngắn hạn cần tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư phân tán và đầu tư thiếu đồng bộ đã tồn tại từ nhiều năm. Như vậy theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thay đổi đầu tiên là cơ chế lựa chọn và phân bổ vốn đầu tư cho các ngành, các địa phương nói chung và các dự án cụ thể nói riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng cảnh báo những khó khăn trước mắt sẽ gặp phải là số lượng dự án phải cắt, đình hoãn có thể rất lớn. Ông Cung nói: “ra quyết định sẽ có người được, người mất, địa phương này được, ngành kia mất. Vì vậy đòi hỏi sự quyết tâm, kiên định và cứng rắn của các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý và phân bổ đầu tư, mà cả sự thấu hiểu, ủng hộ và đồng thuận của các cấp, các ngành và các bên liên quan”. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thêm, trong đánh giá, lựa chọn những dự án dở đang và số vốn đã thực hiện đang tồn tại cách tư duy plà nếu không tiếp tục đầu tư thì sẽ mất vốn đã thực hiện, gây lãng phí, mất mát cho xã hội. Chuyên gia này cho rằng cách nghĩ đó không sai, nhưng cũng có cách nhìn khác. Đó là so sánh giữa cái mất mát và cái được của việc cắt bỏ dự án thì có thể cái giá của việc cắt bỏ còn thấp hơn tiếp tục đầu tư.
Về trung hạn, theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chúng ta phải xây dựng khung hay kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý đầu tư công, phải thay chế độ phân cấp và phối hợp thực hiện đầu tư giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với trung ương, giữa các cơ quan trung ương với nhau, để các dự án đầu tư công bổ sung cho nhau, tận dụng được lợi thế quy mô, qua đó phát huy lợi thế địa phương, vùng và ngành kinh tế. Trước những kết quả không như kỳ vọng của nguồn đầu tư nước ngoài, ông Cung lưu ý, thu hút đầu tư nước ngoài nên có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân trong nước.
Đưa ra giải pháp dài hạn, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta phải có bước thay đổi đột phá và phân cấp chất lượng môi trường kinh doanh. Theo đó, “Phải thay đổi tư duy, loại bỏ lối kinh doanh ngắn hạn, đánh quả, thiên về tìm kiếm địa tô, lợi nhuận từ bong bóng thị trường hơn là tạo ra giá trị gia tăng mới”, ông Cung nói. Như vậy, chính sách và pháp luật cần không chỉ cổ vũ cho “tối đa hóa lợi nhuận”, mà quan trọng hơn là phải ủng hộ cho cả tư duy “kiếm tiền bằng cách nào”. Nói cách khác là phải có được môi trường kinh doanh trong đó bảo đảm “trung thực, thật thà, tài trí thì thắng”, chứ không phải “trung thực, thật thà, tài trí thì thua thiệt”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, DNNN cần thu hẹp phạm vi ngành nghề, mở thêm dự địa cho và không gian cho phát triển kinh tế tư nhân trong nước. Lâu nay chúng ta có chủ trương “vì kinh tế tư nhân không muốn làm và không làm được” nên phải có DNNN hiện diện lấp chỗ trống. Nhưng theo ông Cung “nếu tư nhân chưa muốn làm hay chưa làm được, thì chúng ta phải tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ họ làm, hơn là làm thay họ và cạnh tranh, lấy đi cơ hội kinh doanh của họ. tư nhân phát triển đến đâu thì Nhà nước rút đến đó”.
Tái cấu trúc ngân hàng: Ném chuột không để vỡ bình!
Tại buổi tọa đàm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng thương mại chủ yếu kinh doanh tín dụng chiếm tới 80%, trong khi thiếu rất nhiều các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, 52% thị phần lĩnh vực ngân hàng lại không thuộc Nhà nước nên tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng là rất khó, các nhóm lợi ích sẽ nổi lên cản trở. Ông Bình nói thêm, tái cấu trúc làm sao “ném chuột không được để vỡ bình”, không được để vỡ hệ thống vì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Vì vậy, ông Bình cho rằng, làm phải có lộ trình và bước đi phù hợp. Có những việc phải làm ngay trong năm nay, nếu để lâu càng thêm thối rữa ô nhiễm môi trường, có những ngân hàng có thể cứu được thì cứu.
Cuối cùng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đưa ra một lộ trình trong năm năm tới. Đó là năm 2012 sẽ dứt điểm xử lý các ngân hàng yếu kém nhưng không để đổ vỡ ảnh hưởng đến người dân. Năm 2013 tiếp tục tái cơ cấu nhưng để các ngân hàng tự nguyện hướng tới nâng cao chất lượng. Năm 2014 -2015 chúng ta sẽ có từ một đến hai ngân hàng tầm cỡ khu vực với trị giá trung bình khoảng 50 tỷ USD. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngân hàng quy mô lớn nhất hiện mới có giá trị khoảng 25 tỷ USD. Ngành ngân hàng sẽ có khoảng từ 10 đến 12 ngân hàng tốp đầu chiếm 80% thị phần, còn lại là các ngân hàng nhỏ hoạt động theo mô hình, cơ chế riêng (Mỹ hiện có khoảng 2500 ngân hàng), cùng với quỹ tín dụng nhân dân tạo thành mạng lưới rộng khắp, giúp tăng tiếp cận của người dân với các dịch vụ ngân hàng, ông Bình cho biết.
Về cách làm Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Trong bối cảnh chúng ta không có nhiều tiền, lại phải “ném chuột mà không được để vỡ bình” thì phải dựa vào nội lực là chính, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngân hàng mạnh hỗ trợ ngân hàng yếu, như vậy sẽ giảm chi phí. Chúng ta cũng cần sử dụng công cụ mua bán nợ”.
Nguồn Báo Nhân Dân Online