Theo đó, phía Đức đã cam kết dành 288,2 triệu Euro giúp Việt Nam thực hiện các dự án hợp tác phát triển song phương trong 2 năm tới và 1 triệu Euro để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra và công tác phòng chống lũ lụt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được hưởng lợi từ nguồn kinh phí đặc biệt của Quỹ Năng lượng và Khí hậu của Đức.
Trong buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội chiều 15-12, Đại sứ Đức tại Việt Nam, ngài Claus Wunderlich, cho biết, từ khi nối lại hợp tác phát triển song phương với Việt Nam năm 1990 đến nay, Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Đức tại khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác này ngày càng được củng cố chặt chẽ hơn nữa thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, được khẳng định tại “Tuyên bố chung Hà Nội” trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel vào tháng 10-2011.
Bà Brunhilde Vest (Vụ trưởng Vụ Chính sách Phát triển Khu vực Đông Nam Á, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức)
và ông Nguyễn Thế Phương (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) tại phiên đàm phán. (Ảnh: LHH)
Chương trình hợp tác phát triển Đức-Việt Nam sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính là: phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề; chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; và y tế.
Tại phiên đàm phán chính phủ năm nay, hai bên cũng đã thống nhất tiếp tục xây dựng những chương trình hỗ trợ, các dự án bảo vệ môi trường và khí hậu cũng như các dự án hỗ trợ để thích nghi với việc biến đổi khí hậu.
Thông qua một số dự án tiền khả thi và đề xuất hợp tác với đối tác Việt Nam như năng lượng gió, nhà máy điện sử dụng khí và hơi nước…, phía Đức cũng hi vọng sẽ giúp Việt Nam tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.
Bà Brunhilde Vest (Vụ trưởng Vụ Chính sách Phát triển Khu vực Đông Nam Á, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức) cho biết, mặc dù năm 2010 nền kinh tế thế giới và khu vực đang khó khăn, song chính phủ Đức vẫn ưu tiên và tiếp tục tăng ngân sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các quốc gia, đạt 9,8 tỷ euro (chiếm 0,39% GDP của nước này).
Ngoài ra, phía Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách lĩnh vực đào tạo nghề cũng như việc hỗ trợ hoàn thiện các cơ sở đào tạo nghề thí điểm có sự kết hợp liên kết với các doanh nghiệp, đáng quan tâm nhất là dự án hỗ trợ trung tâm đào tạo nghề LILAMA 2 phát triển với chất lượng cao, vượt tầm quốc gia...
Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam