(NTO) Đặc biệt từ năm 2009, được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên đến nay Bác Ái vẫn là huyện nghèo, toàn huyện có 9 xã với 38 thôn (trong đó 36 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn).
Nông dân Phước Thắng thực hiện mô hình sạ lúa theo hàng của Sở KH&CN.
Tuy nhiên, theo số liệu điều tra năm 2010, toàn huyện có 5.423 hộ hành chính, với 24.915 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai chiếm trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao chiếm 66,7 % (theo chuẩn mới). Nói đến nguyên nhân, phải thừa nhận một điều, tâm lý tự cung tự cấp vẫn còn trong ý thức sản xuất nông nghiệp của bà con vùng cao này. Từ tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ của người dân cộng với điều kiện tự nhiên ít ưu ái của miền núi đã tác động rất lớn đến sự phát triển của địa phương.
Từ thực tiễn đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII xác định, tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng lấy phát triển nông-lâm nghiệp làm trung tâm phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, trước mắt nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo bền vững. Huyện ủy Bác Ái đã thông qua Nghị quyết số 02 ngày 29-9-2011 về việc lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Trên tinh thần đó, việc ổn định quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đầu tư thâm canh, từng bước tạo nên các khu vực, cánh đồng, xứ đồng sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ là mục tiêu mà Bác Ái phấn đấu đạt được. Cụ thể, đến năm 2015, địa phương sẽ ổn định 14.500 ha đất sản xuất, trong đó lúa nước là 1.500 ha (sản lượng 6.000 tấn), bắp lai 2.000 ha (8.000 tấn), cây ngắn ngày khác 6.000 ha, cây dài ngày 5.000 ha, rừng trồng 2.000 ha; tăng tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn huyện lên 18.500 con. Dài hơn, đến năm 2020, diện tích sản xuất sẽ tăng lên thành 16.500 ha ở tất cả các loại cây trồng, diện tích rừng trồng phát triển lên thành 6.000 ha, với đàn gia súc, gia cầm 22.000 con.
Theo mục tiêu trên, nghị quyết đã đưa ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình địa phương. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực quản lý của chính quyền và đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên tạo sự đồng thuận, từng bước chuyển đổi thói quen, tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ tự phát trong nhân dân. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, đất đai, lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, thu hút đầu tư. Công tác rà soát định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc nhằm bổ sung, định hướng kịp thời cho cây trồng và thị trường, cân đối phát triển chăn nuôi và trồng trọt để nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng lao động. Các vùng chuyên canh cây trồng lợi thế cần đưa vào quy hoạch và xây dựng các thương hiệu sản phẩm ngành Nông nghiệp: măng khô, chuối, heo núi,…Và giải pháp không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được ưu tiên như khai hoang, phục hóa, cơ giới hóa sản xuất, hỗ trợ vật tư,… song song với thực hiện ưu đãi đối với các cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, bê- tông hóa giao thông nội đồng để tạo nên những cánh đồng, xứ đồng ổn định, đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, huyện tập trung vào giải pháp nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Theo đó, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn, kịp thời bố trí nguồn vốn nhân rộng mô hình sau trình diễn. Lao động nông nghiệp được đào tạo nghề gắn với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Hơn nữa là phát triển hình thức hợp tác, tổ vần đổi công để giúp nhau sản xuất, khuyến khích phát triển hình thức trang trại. Đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở, trí thức trẻ và cán bộ tăng cường theo Nghị quyết 30a để làm cơ sở thúc đẩy quá trình phát triển.
Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi ở Bác Ái sẽ thành công, đem lại diện mạo mới cho vùng cao anh hùng.
Hồng Nhạn