Viettel là nhà cung cấp dịch vụ đi đầu trong việc mở chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại và các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) khác trên cả nước từ năm 2006.
Khách hàng mua điện thoại Iphone tại một đại lý của Viettel. Ảnh: Thanh Hải
Việc gia nhập thị trường bán lẻ này không chỉ giúp Viettel cung cấp dịch vụ trọn gói tới khách hàng bằng việc vừa cung cấp máy đầu cuối kèm dịch vụ (điện thoại kèm gói cước, máy tính kèm dịch vụ internet…) mà còn là sự khẳng định của nhà mạng với đối tác là các nhà sản xuất thiết bị toàn cầu. Bằng chứng, Viettel là nhà mạng đầu tiên trở thành nhà phân phối chính thức của Rim (nhà sản xuất BlackBerry) tại Việt Nam, rồi sau đó là Apple (iPhone).
Cùng với Viettel, Vinaphone cũng là nhà mạng phân phối iPhone cho Apple và mới đây, trong tháng 10, Mobifone cũng chính thức gia nhập danh sách các nhà phân phối BlackBerry cho Rim. Trước đó, cả Viettel, Mobifone, Vinaphone đều đã hợp tác với một số nhà sản xuất điện thoại nước ngoài để đưa ra các gói cước gồm điện thoại kèm sim với giá rẻ, trong đó có tài khoản gần bằng giá trị máy, như Vinaphone với bộ hòa mạng Alo, Viettel với Sumosim, Mobifone với Momo… Gần đây nhất, không thể đứng ngoài cuộc, Tập đoàn VNPT đã mở chuỗi cửa hàng kinh doanh thiết bị đầu cuối trên cả nước. Việc gia nhập thị trường bán lẻ của VNPT thời điểm này là tương đối muộn, nhưng cho thấy đây cũng là xu hướng tất yếu. Bởi thực tế, sự hợp tác giữa các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng đã, đang xảy ra trên thế giới.
Những năm qua, ngành viễn thông CNTT, nhất là thị trường thông tin di động có những thay đổi nhanh và quyết liệt. Một loạt thương hiệu điện thoại nổi tiếng bị biến mất, đi cùng đó là các thương vụ mua bán, sáp nhập (Google mua lại mảng di động của Motorola, Sony mua nốt cổ phần di động của Ericsson...) đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của các nhãn điện thoại di động một thời nổi tiếng. Bên cạnh đó là sự vươn lên của những thương hiệu Samsung, LG, HTC... đặc biệt là Apple với iPhone được đánh giá là làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng trên thế giới.
Tại sao Apple thành công và sự thành công này đã đẩy không ít thương hiệu nổi tiếng vào cảnh khốn khó? Ngay cả "người khổng lồ" Nokia không những mất vị trí số 1 thế giới, mà còn đứng trước khủng hoảng đến nỗi phải đưa ra khẩu hiệu hành động kiểu như thay đổi hay là chết! Từ vấn đề này, các chuyên gia nhận định, xu hướng hiện nay là các nhà mạng phải trở thành nhà phân phối chính hãng cho nhà sản xuất thiết bị. Thực tế, chính Apple đã đi đầu khi lựa chọn mô hình của chuỗi cung ứng giữa các nhà sản xuất thiết bị với công ty phân phối (là nhà khai thác viễn thông kết hợp với các nhà cung cấp nội dung). Một thực tế khác cho thấy, các nhà sản xuất, mạng viễn thông các mạng xã hội như Facebook, Yahoo, Google, Twitter đang hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ giải trí. Nếu phương tiện đầu cuối nào giúp người sử dụng truy cập internet, truy cập các dịch vụ trên phương tiện đó sẽ được thị trường chấp nhận.
Trở lại câu chuyện các nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước trở thành nhà phân phối điện thoại chính hãng, hoặc mở cửa hàng bán lẻ điện thoại, đến nay vẫn chưa một nhà khai thác nào thực hiện thành công sự kết hợp với DN khai thác nội dung để đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Điều này cũng là hạn chế của các DN trong nước khi đã ứng dụng công nghệ 3G, nhưng ứng dụng di động lại nghèo nàn. Xu hướng của thế giới hiện nay là để tồn tại, cạnh tranh, các nhà mạng trong nước cần phải hợp tác với các DN cung cấp nội dung để đưa ra những ứng dụng thiết thực cho khách hàng và đó cũng là biện pháp để thu hút, giữ chân thuê bao.
Nguồn Báo Hànộimới